Nhiều tiềm năng hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm chế biến sẵn

Ngày 26/9, lễ khai mạc Hội chợ ngành thực phẩm chế biến sẵn và Hội nghị phát triển ngành thực phẩm chế biến sẵn ASEAN-Trung Quốc đã được tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Quang cảnh Hội nghị phát triển thực phẩm chế biến ASEAN-Trung Quốc.Quang cảnh Hội nghị phát triển thực phẩm chế biến ASEAN-Trung Quốc.

Sự kiện do chính quyền Khu tự trị Choang Quảng Tây và Liên đoàn công nghiệp-thương mại toàn Trung Quốc tổ chức.

Phó Chủ tịch Khu tự trị Quảng Tây Phương Xuân Minh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung, đại diện các Tổng lãnh sự quán một số nước ASEAN tại Nam Ninh và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm chế biến đã tham dự Lễ khai mạc.

Đây là Hội chợ triển lãm công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn Trung Quốc-ASEAN lần đầu tiên; thu hút 350 doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc và các nước ASEAN về thực phẩm chế biến. Diện tích triển lãm rộng hơn 5.000m², gồm 8 khu triển lãm ẩm thực lớn trong đó có khu triển lãm hương vị ASEAN.

Quang cảnh Hội nghị phát triển thực phẩm chế biến ASEAN-Trung Quốc.Các đại biểu tham dự sự kiện.

Các đại biểu khẳng định, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn đã thu hút ngày càng nhiều tổ chức đầu tư và thương hiệu thực phẩm tại Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng trực tiếp tại các nhà hàng. Trung Quốc và các nước ASEAN có nền ẩm thực phong phú, đặc sắc, có sức hấp dẫn lẫn nhau đối với người tiêu dùng mỗi bên.

Từ năm 2019 đến năm 2021, quy mô thị trường thực phẩm chế biến sẵn ở Trung Quốc đã tăng từ 244,5 tỷ Nhân dân tệ lên 345,9 tỷ Nhân dân tệ, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 18,94%. Ước tính đến năm 2026, quy mô thị trường thị trường thực phẩm chế biến sẵn của Trung Quốc sẽ đạt 1,07 nghìn tỷ Nhân dân tệ (gần 140 tỷ USD). Quy mô thị trường này ở các nước ASEAN cũng có xu hướng ngày càng mở rộng.

Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung phát biểu tại lễ khai mạc.Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung phát biểu tại lễ khai mạc

Chia sẻ tại Hội nghị, Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết, trong những năm qua, ngành sản xuất chế biến thực phẩm Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân trên 7%/năm.

Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Chủ tịch Quảng Tây Phương Xuân Minh tham quan triển lãm.Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Chủ tịch Quảng Tây Phương Xuân Minh tham quan triển lãm

Giá trị sản xuất của ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam; là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Chủ tịch Quảng Tây Phương Xuân Minh tham quan triển lãm.Tổng lãnh sự Đỗ Nam Trung và Phó Chủ tịch Quảng Tây Phương Xuân Minh tham quan triển lãm.

Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Đặc biệt, sau khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành sản xuất chế biến thực phẩm sẽ mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn, trong đó có thị trường Trung Quốc và ASEAN.

Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệpLễ ký kết văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2021, ngành sản xuất thực phẩm đã thể hiện sự hồi phục rõ rệt khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Văn hóa ẩm thực là một kênh quan trọng để gắn kết người dân các nước. Việt Nam và Quảng Tây có lợi thế về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến có triển vọng rộng lớn. Các sản phẩm thực phẩm chế biến mang đặc sắc ẩm thực Việt, nhất là nông sản còn nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc.

Là đầu mối, cầu nối tin cậy, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh sẵn sàng nỗ lực phục vụ doanh nghiệp hai bên, trong đó có lĩnh vực thực phẩm chế biến tăng cường hợp tác, góp phần vào sự phát triển lành mạnh, ổn định của thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Triển lãm thực phẩm chế biến ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ CAEXPO 19.Triển lãm thực phẩm chế biến ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ CAEXPO 19.

Theo các chuyên gia, lợi thế của ngành thực phẩm chế biến sẵn là giúp giảm hiệu quả chi phí vận hành của các nhà hàng và giảm bớt tình trạng mất khách trong thời kỳ dịch bệnh, thu hút các thương hiệu cung cấp dịch vụ ăn uống theo chuỗi lớn tham gia.

Theo thống kê, năm 2022, 53,6% người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn; 93,7% ưu tiên thực phẩm có thương hiệu. Tiềm năng thị trường của ngành hàng là rất lớn và vẫn đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, về hình thức đang dần cho thấy xu hướng phát triển ngày càng đa dạng.

Tháng 3/2022, doanh số thực phẩm chế biến sẵn tại Trung Quốc đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ, tại khu vực Thượng Hải, nơi có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, thậm chí đã tăng hơn 250% so với cùng kỳ.

Mặc dù thị trường thực phẩm chế biến sẵn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề như phát triển không cân đối, các quy định và luật lệ không nhất quán.

Thời gian tới, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp các nước Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường cung cấp các dịch vụ loại hình mới, đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp thực phẩm chế biến, tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kết quả nghiên cứu cơ bản trong ngành.

baoquocte.vn