Vun đắp quan hệ Hải Phòng – Kitakyushu ngày càng đơm hoa kết trái

Kitakyushu – Thành phố của Môi trường và Công nghệ

Nằm ở cực Bắc của đảo Kyushu và tiếp giáp với hòn đảo Honsu qua eo biển Kanmon, thành phố Kitakyushu được thành lập vào tháng 02/1963 và trở thành thành phố trực thuộc Chính phủ Nhật Bản với sự hợp nhất 05 thành phố: Moji, Kokura, Wakamatsu, Yahata và Tobata. Với diện tích là 491,95 km2 và dân số 947.092 người (năm 2020), Kitakyushu hiện đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một cửa ngõ vào châu Á do vị trí thuận lợi là nằm giữa đường biển Tokyo và Thượng Hải, đồng thời cũng là một cơ sở công nghiệp lớn của Nhật Bản.

Vào thập niên 1960, Nhật Bản đã đạt được những tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trong đó Kitakyushu phát triển thành một trong bốn khu công nghiệp lớn nhất của cả nước. Thông qua việc ban hành những quy định nghiêm ngặt của thành phố về kiểm soát ô kết hợp với sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, thành phố Kitakyushu đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giới thiệu với thế giới (trong báo cáo môi trường năm 1985) về sự thay đổi thần kỳ của Kitakyushu như một ví dụ điển hình về một thành phố chuyển đổi từ “thành phố xám” trở thành “thành phố xanh”.

Kitakyushu có một tài sản to lớn và quý báu là công nghệ và nguồn nhân lực. Thành phố có đầy đủ trang thiết bị phục vụ vận tải và phân phối, bao gồm sân bay Kitakyushu, cảng nước sâu Hibikinada và bến cảng container Hibiki. Thành phố cũng đang đầu tư vào khoa học kỹ thuật để trở thành ngành công nghiệp đầu não của thành phố với việc xây dựng Khu Nghiên cứu và Khoa học Kitakyushu, Tổ chức pháp nhân công ích, khoa học và công nghệ Kitakyushu, Cảng điện tử Kitakyushu, Viện Nghiên cứu phát triển châu Á, v.v... Các ngành công nghiệp liên quan đến kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, thiết bị bán dẫn và chế tạo ô tô tiếp tục tập trung hoạt động tại thành phố, trong khi đó ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tại Kitakyushu đang chuyển dịch sang các lĩnh vực phát triển mới, từ đó thúc đẩy thành phố trong việc trở thành một “thành phố công xưởng mới”

Kitakyushu tích lũy được nhiều công nghệ và kinh nghiệm trong lịch sử phát triển của mình thông qua việc trở thành thành phố công nghiệp và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế giữa chính quyền, lĩnh vực tư nhân và các trường đại học. Các cơ quan có hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật như: Trung tâm quốc tế JICA Kyushu, Hiệp hội giao lưu quốc tế Kitakyushu, Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu, Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật quốc tế Kitakyushu, v.v…

Thành phố đang tiếp đà phát triển với nhiều hoạt động đa dạng, nhằm mục tiêu đưa Kitakyushu trở thành thủ đô phát triển bền vững của thế giới và trung tâm công nghệ của châu Á. Mục tiêu này đang được triển khai theo kế hoạch “Kitakyushu mạnh mẽ”, với định hướng cơ bản là xây dựng một thành phố môi trường và công nghệ, nhằm thúc đẩy người dân và văn hóa của thành phố hòa nhập với thế giới.

Hải Phòng – Kitakyushu: Những thành tựu đáng khích lệ

Hải Phòng và Kitakyushu đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị vào năm 2009 và nâng tầm quan hệ trở thành “Thành phố kết nghĩa” vào năm 2014. Hai thành phố đã hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, v.v… Các hoạt động hợp tác được triển khai thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực; phối hợp trong việc thực hiện Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng; tổ chức các đoàn khảo sát môi trường đầu tư; tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức; giao lưu sinh viên; giới thiệu văn hóa của Hải Phòng và Kitakyushu thông qua việc các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn trong các sự kiện của hai địa phương.

Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 05 năm thiết lập quan hệ kết nghĩa, hai địa phương đã phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động song phương có ý nghĩa tại Hải Phòng và Kitakyushu. Đoàn lãnh đạo chính quyền thành phố Kitakyushu đã đến thăm, làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tham dự Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng và một số hoạt động bên lề. Đoàn nghệ thuật Kitakyushu cũng đã tham gia biểu diễn tại Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng và chào mừng 64 năm ngày Giải phóng Hải Phòng. Nhận lời mời của Thị trưởng thành phố Kitakyushu Kenji Kitahashi, đoàn lãnh đạo chính quyền thành phố đã sang thăm, làm việc tại Kitakyushu và tham dự Lễ hội Mùa hè Wasshoi. Đây là Lễ hội lớn nhất thành phố, tập hợp của tất cả các lễ hội mùa hè được tổ chức ở Kitakyushu, điệu múa Hyakuman truyền thống và màn trình diễn bắn pháo hoa. Cũng trong dịp này, đoàn Lân sư rồng Bắc Lân Đường Hải Phòng đã tham gia biểu diễn và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng nhân dân thành phố Kitakyushu.

Trên cơ sở Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của thành phố (giai đoạn 2014 – 2020) và trong khuôn khổ hợp tác kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu, trong giai đoạn 2014 – 2015, Viện Nghiên cứu Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản và thành phố Kitakyushu đã cùng các cơ quan của Hải Phòng xây dựng Báo cáo Kế hoạch hành động thúc đẩy tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng nhằm phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng xanh, bền vững, giảm thiểu tối đa lượng khí thải các-bon. Phía Nhật Bản đã khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng và đề xuất triển khai 15 dự án thí điểm trên 07 lĩnh vực thực hiện, gồm rác thải, năng lượng, giao thông, đảo Cát Bà, cấp thoát nước và thoát nước mưa, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Tháng 3/2015, Báo cáo Kế hoạch đã hoàn thành và các dự án bắt đầu được triển khai thực hiện. Một số dự án đã được thực hiện bao gồm: Dự án Phân loại rác thải gia đình và dự án sản xuất phân compost tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Tràng Cát, Dự án xử lý nước thải có nồng độ BOD cao theo phương pháp lên men họa tính, sử dụng xúc tác enzym và vi sinh vật tại Bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn), Dự án Xây dựng thí điểm mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Dự án sử dụng xe buýt điện EV trên đảo Cát Bà, v.v…

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai thành phố cũng đạt được những kết quả tích cực thông qua việc ký kết và thực hiện Biên bản ghi nhớ về chương trình giao lưu doanh nghiệp vừa và nhỏ (tháng 11/2015) giữa Sở Công Thương Hải Phòng và Cục Công nghiệp và Kinh tế Kitakyushu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia và củng cố quan hệ hợp tác về kinh tế giữa các bên. Hai bên đã phối hợp thực hiện một số hoạt động trao đổi đoàn giáo viên, cán bộ tham gia các khóa đào tạo về quản lý kinh doanh, bán hàng cũng như tổ chức hội thảo giao lưu thương mại và triển lãm công nghệ. Ngoài ra, thành phố Kitakyushu và Khu Công nghiệp DEEP C đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các doanh nghiệp Kitakyushu vào DEEP C (tháng 05/2019) với mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư, kết nối các đối tác kinh doanh tiềm năng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai địa phương nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế của 02 quốc gia nói chung.

Trong lĩnh vực cấp, thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng và Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật. Để triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ, hai bên đã phối hợp triển khai Dự án về Nâng cao năng lực vận hành hệ thống thoát nước cho thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2014, giai đoạn 2014-2017 do JICA tài trợ. Bên cạnh đó, Cục Cấp Thoát nước thành phố Kitakyushu đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng tiến hành các chương trình hợp tác, trao đổi như: Chương trình hợp tác kỹ thuật giai đoạn I – Nghiên cứu xử lý chất hữu cơ trong nước bằng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) (2010 – 2012) và giai đoạn II – Nâng cao năng lực quản lý hệ thống cấp nước cho Công ty cấp nước (2013 – 2016) cũng như hỗ trợ rất tích cực trong việc vận động JICA viện trợ không hoàn lại cho Dự án Đầu tư nâng cấp Nhà máy nước An Dương – Xây dựng bể lọc công suất 100.000 m3/ngày áp dụng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học (2016 – 2020).

Bên cạnh đó, thông qua quan hệ thành phố kết nghĩa Hải Phòng – Kitakyushu, Hải Phòng được giới thiệu tham gia cùng với thành phố Kitakyushu tại một số hội nghị, hội thảo do Bộ Môi trường Nhật Bản, Viện chiến lược Môi trường toàn cầu tổ chức nhằm học tập, chia sẻ những giải pháp hữu ích, thiết thực trong lĩnh vực môi trường. Điều này đã góp phần tích cực giúp Hải Phòng đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực.

Thông qua những thành tựu đã đạt được trong hợp tác song phương giữa hai thành phố, có thể đánh giá quan hệ kết nghĩa giữa Hải Phòng và Kitakyushu là một quan hệ thiết thực, hiệu quả cả về chất và lượng. Nhìn lại chặng đường 11 năm hợp tác kể từ khi bắt đầu những dấu ấn đầu tiên, Kitakyushu đã khẳng định vị trí là một trong những đối tác đáng tin cậy của thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp sẵn có và những tiềm năng hợp tác dồi dào, có thể tin tưởng rằng quan hệ hợp tác phát triển giữa Hải Phòng và Kitakyushu sẽ ngày càng rộng mở, hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho hai địa phương và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản./.

Nguyễn Minh Trang - Sở Ngoại vụ Hải Phòng