Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2020 - Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trong giai đoạn tới

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại. Công tác vận động viện trợ PCPNN là một mục tiêu trọng điểm hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước và từng địa phương. Với chủ trương kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, cùng với việc hội nhập quốc tế, ngoài nỗ lực phát huy hiệu quả nguồn lực trong nước, Việt Nam tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, trong đó có hoạt động thu hút các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN).

1. Những kết quả đáng mừng trong triển khai công tác vận động viện trợ PCPNN năm 2020

Năm 2020, các tổ chức PCPNN tiếp tục viện trợ cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội như: y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường,... Hỗ trợ PCPNN trong năm qua đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhu cầu viện trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả do thiên tai, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, tăng cường hiểu biết giữa Nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với các nhà tài trợ nước ngoài.

Trong bối cảnh chính do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động viện trợ nhân đạo và phát triển của các tổ chức PCPNN bị ảnh hưởng rất lớn, giá trị thu hút giảm mạnh so với năm trước. Nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động bị điều chỉnh, thay đổi. Các chuyên gia, cán bộ nước ngoài gặp khó khăn trong việc xuất nhập cảnh và đi lại do phải tuân thủ quy định cách ly. Tiến độ các chương trình, dự án bị chậm, phải kéo dài thời gian thực hiện.

Tuy vậy, với sự chủ động của các tổ chức PCPNN và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Sở Ngoại vụ Hải Phòng và các cơ quan, địa phương liên quan, hầu hết các tổ chức đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch hoạt động, tập trung đề ra các giải pháp hiệu quả bảo đảm duy trì tốt hoạt động chung của tổ chức ở thành phố. Có thể nói, trong năm 2020 công tác vận động viện trợ PCPNN thành phố Hải Phòng đã chủ động thích ứng, sáng tạo, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Đi ngược lại với dự báo “đi xuống” trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung, kết quả giá trị vận động viện trợ PCPNN của Hải Phòng không giảm mà còn có nhiều dấu hiệu tăng trưởng bền vững so với năm 2019. Tính tháng 12/2020 có 46 tổ chức PCPNN có Giấy đăng ký hoạt động tại địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong đó, 32 tổ chức PCPNN và doanh nghiệp/cá nhân nước ngoài tài trợ 49 chương trình/dự án/phi dự án, tặng quà từ thiện với tổng giá trị cam kết năm 2020 là xấp xỉ 6,3 triệu USD tương đương 145,8 tỷ đồng, giá trị giải ngân thực tế năm 2020 là trên 4 triệu USD tương đương với hơn 93 tỷ đồng đạt 64%, tăng trưởng cao so với năm 2019.

Ảnh: Dự án "Xây dựng thư viện nhỏ trường tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh” do tổ chức Happy Tree (Hàn Quốc) tài trợ

Hầu hết các chương trình, dự án PCPNN tập trung vào mục tiêu hoạt động nhân đạo, hỗ trợ cộng đồng, chú trọng tới các đối tượng như trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, bảo vệ môi trường. Các dự án đều phát huy hiệu quả cao, góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững phù hợp với các mục tiêu ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; đồng thời đảm bảm lời kêu gọi "để không ai bị bỏ lại phía sau" của Chính phủ, trong bối cảnh đời sống nhân dân đang chồng chất nhiều khó khăn giữa đại dịch.

Ảnh: Dự án “Xây dựng Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai thành phố Hải Phòng” do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương Hoa Kỳ tài trợ

Một số dự án tiêu biểu đã được triển khai trong năm 2020 có thể kể đến như:

- Dự án "Sức khỏe và dinh dưỡng học đường" do Tổ chức SCI tài trợ cho Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2020. Tổng giá trị 2.920.799.989 đồng tương đương 125.837 USD.

- Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam” tại huyện An Dương, Hải Phòng do Tổ chức SCI tài trợ cho Sở Giáo dục và Đào tạo tạo. Tổng giá trị 9.583.265.620 đồng tương đương 411.298 USD, giai đoạn 2020-2022.

- Dự án “Cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của Ba mẹ và trẻ em cho các nữ công nhân tại TP Hải phòng” do Tổ chức SCI tài trợ cho Liên đoàn lao động TP. Tổng giá trị 5.129.504.833 đồng tương đương 221.177 USD, giai đoạn 2020-2021;

- Dự án "Mở rộng chăm sóc đúng tại các cơ sở y tế tư nhân và triển khai sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (X-quang,Xpert) kết hợp sàng lọc, điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn do tổ chức Freundeskreis fur Internationale Tuberkulosechife e.V (FIT- Đức)" tài trợ cho Bệnh viện Phổi Hải Phòng. Tổng giá trị 3.320.680.000 đồng tương đương 143.690 USD, giai đoạn 2020-2021.

- Dự án "Xây dựng thư viện nhỏ trường tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh” do tổ chức Happy Tree (Hàn Quốc) tài trợ cho Trường tiểu học Hải Thành, quận Dương Kinh (giai đoạn từ tháng 6/2020- tháng 12/2020). Tổng giá trị tài trợ 1,6 tỷ đồng.

- Dự án “ Hỗ trợ bảo vệ môi trường nước khu vực bờ biển Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà trên cơ sở áp dụng mô hình hồ Biwa, Nhật Bản” do JICA ủy thác cho tỉnh Shiga tài trợ thông qua Công ty KANSO (Nhật Bản) thực hiện với vốn viện trợ PCPNN không hoàn lại là 462.444,85 USD; vốn đối ứng là 13.542,18USD từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.

- Dự án “Xây dựng Trung tâm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai thành phố Hải Phòng” do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương Hoa Kỳ tài trợ Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai thành phố với tổng giá trị tài trợ là 794.345 USD tương đương với 18.137.018.000 đồng bị chậm tiến độ do khó khăn về qui hoạch xây dựng nhưng đến nay đã tháo gỡ được về cơ bản, sẽ được sớm triển khai từ quí 3.

- Dự án “Cải thiện chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc điều trị HIV/AIDS" do tổ chức BIDMC tài trợ , với tổng kinh phí: 36.158 USD.

- Hoạt động “ bổ sung Ngân sách cho hợp phần "Bảo vệ trẻ em" Chương trình vùng quận Ngô Quyền do WVI tài trợ, với tổng kinh phí 48.762 USD.

- Dự án Dự án “tăng cường năng lực và cơ hội tiếp cận nghề nghiệp cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại Quận Ngô Quyền” thành phố Hải Phòng, với tổng kinh phí 135,075 USD, giai đoạn từ 01/06/2020 đến 31/5/2023.

2. Khó khăn và thuận lợi đan xen

Công tác vận động viện trợ PCPNN năm 2020 được triển khai cũng có một số mặt thuận lợi như: hệ thống quy phạm pháp luât điều chỉnh được Trung ương, địa phương quan tâm chỉ đạo hoàn thiện; chính quyền thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN tới tìm hiểu, khảo sát nhu cầu viện trợ trong các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên và các vùng, địa phương đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các đơn vị vận động viện trợ. Việc hướng dẫn thực hiện đầy đù, rõ ràng của cơ quan quản lý trên cơ sở hành lang pháp lý phù hợp, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong công tác xúc tiến vận động viện trợ cũng như tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ. Thông tin về chủ trương, định hướng trong công tác xúc tiến vận động viện trợ và tình hình kinh tế - xã hội của thành phố được Sở Ngoại vụ chủ động thông tin, cập nhập, phổ biến khá đầy đủ. Các dự án PCPNN thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội, nội dung kêu gọi viện trợ cũng phù hợp định hướng, tầm nhìn của các tổ chức PCPNN. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận dự án của Hải Phòng cũng tích lũy được chuyên môn, kinh nghiệm sau nhiều năm triển khai chương trình, dự án có hiệu quả hơn. Nhu cầu, lĩnh vực kêu gọi viện trợ của Hải Phòng phù hợp định hướng của các tổ chức PCPNN ưu tiên viện trợ của các tổ chức; hiệu quả thành công của các dự án PCPNN đã triển khai ở Hải Phòng cùng với sự đồng tình tham gia, hưởng ứng của người dân địa phương và các tổ chức đoàn thể;

Ảnh: Dự án "Mở rộng chăm sóc đúng tại các cơ sở y tế tư nhân và triển khai sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (X-quang, Xpert) kết hợp sàng lọc, điều trị lao hoạt động và lao tiềm ẩn

Bên cạnh những thuận lợi, công tác phi chính phủ còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Năm 2020, so với cả nước, công tác vận động viện trợ PCPNN mới đạt 2,52% so với tổng gia trị viện trợ PCPNN cả nước thu hút là khoảng 250 triệu USD[1]. Như vậy, quy mô thu hút còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của thành phố Hải Phòng – đô thị lớn thứ 3 cả nước.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch COVID 19, các tổ chức PCPNN đã hoãn triển khai các hoạt động giao lưu tình nguyện, khảo sát, một số dự kiến làm việc với các địa phương bị hủy bỏ vì vậy một số dự án chậm tiến độ giải ngân. Nguồn vốn viện trợ PCPNN chưa được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng và các Nghị định liên quan, dẫn đến khó khăn trong thẩm định các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng làm chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến quá trình vận động tài trợ. Việc quản lý, theo dõi các khoản viện trợ ở cơ sở còn hạn chế, cá biệt chưa hiểu đầy đủ các quy định liên quan đến công tác PCPNN; công tác báo cáo hoạt động của các tổ chức PCPNN và việc triển khai các chương trình dự án của một số đơn vị vẫn chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tiến độ của dự án đề ra. Cán bộ địa phương tham gia dự án viện trợ còn hạn chế kỹ năng quản lý, triển khai dự án và đa phần thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, do đó việc sắp xếp thời gian làm công tác PCPNN gặp khó khăn. Việc quản lý và theo dõi các khoản viện trợ tại địa phương cấp ở cơ sở còn hạn chế, cá biệt chưa hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định liên quan đến công tác PCPNN; công tác báo cáo tình hình hoạt động của các tổ chức PCPNN và việc triển khai các chương trình dự án của một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo tiến độ của dự án đề ra. Các dự án chưa được thực hiện đồng đều ở tất cả các lĩnh vực, chưa có nhiều dự án trong một số lĩnh vực ưu tiên của thành phố như: nông thôn mới, ngư nghiệp (phát triển khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ phát triển hạ tầng sản xuất) và phát triển khoa học công nghệ.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả vận động viện trợ PCPNN thành phố Hải Phòng giai đoạn tới

Năm 2021 và những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới dự báo sẽ có những biến động khó lường, đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hiệu quả, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chung của đất nước và thành phố. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, việc vận động các dự án viện trợ PCPNN mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như góp phần hoàn thành sớm các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tại Việt Nam, công tác vận động viện trợ PCPNN đứng trước nhiều thách thức, thành phố đã chỉ đạo, xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện “Chương trình tăng cường hợp tác, vận động viện trợ PCPNN thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Các lĩnh vực thu hút, vận động viện trợ PCPNN tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo; y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình; dào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; giải quyết các vấn đề xã hội; lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; văn hóa, thể thao và du lịch,…

Ảnh: công tác vận động PCPNN là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo (nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-tao-dieu-kien-cho-hoat-dong-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-783457.vov)

Đề thực hiện các mục tiêu quan trọng nói trên , trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, vai trò tham mưu, quản lý của Sở Ngoại vụ trong công tác vận động viện trợ PCPNN, đảm bảo các tổ chức PCPNN hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều tuân thủ luật pháp Việt Nam, các quy định của địa phương và hợp tác tốt với các đối tác địa phương trong việc triển khai có các chương trình/dự án. Các sở ban, ngành thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định, phê duyệt, nắm vững thông tin về nguồn gốc, mục đích, tính chất của từng tổ chức có quan hệ, hoạt động tại địa phương.

Hoạt động trong Chương trình phát triển vùng quận Ngô quyền do tầm nhìn thế giới tài trợ / Ảnh: Tuyết Mai

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ thành phố trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị các tổ chức PCPNN phải bổ sung địa bàn hoạt động tại Hải Phòng; phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong việc kết nối với các tổ chức PCPNN và cung cấp chia sẻ thông tin về năng lực, lĩnh vực viện trợ của các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho Hải Phòng tiếp cận và vận động viện trợ; hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho cơ quan thường trực, các cán bộ đầu mối của địa phương về kỹ năng xúc tiến vận động viện trợ và quản lý các hoạt động của tổ chức PCPNN.

Với chương trình dài hạn, các kế hoạch lực hiện cụ thể cùng nỗ lực của các sở, ban, ngành thành phố, công tác vận động viện trợ PCPNN tại thành phố Hải Phòng được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tích cực đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, cải thiện chất lượng và giá trị cuộc sống người dân thành phố giai đoạn tới./.

[1] Nguồn: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/ghi-nhan-dong-gop-cua-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-nam-2020-571447.html

Mai Quang Thọ