Triển vọng thu hút FDI tại Hải Phòng

Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một trong những điểm sáng của Hải Phòng, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiện đại, xây dựng môi trường năng động và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố thu hút 140 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 14,12 tỷ USD. Trong đó: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 7,48 tỷ USD; đạt gần 60% kế hoạch tổng thu hút FDI giai đoạn 2021-2025; đạt trên 83% so với tổng thu hút FDI giai đoạn 2015-2020. Tốc độ tăng trưởng tăng nhanh, trung bình đạt 23,2%/năm.

6 tháng năm 2023, dự ước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,9 tỷ USD, đạt 95% so với kế hoạch năm.  Lũy kế đến nay trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế có 477 dự án FDI tổng vốn đầu tư 23,43 tỷ USD. Trong 2,5 năm (từ 2021 đến nay), Hải Phòng đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics càng ngày được nâng cao: năm 2021 đạt 83,3%, năm 2022 đạt 81,8%, lũy kế đạt 73,3%. Trong đó: Chế tạo ô tô - xe máy; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác: 12,6 tỷ USD (34%); Điện tử: 10,8 tỷ USD (30%); Logistics, cảng biển, kinh doanh cơ sở hạ tầng: 5,2 tỷ USD (14%), Dệt may, da giày: 1,8 tỷ USD (5%), Cơ khí: 1,4 tỷ USD (4 %). Tỷ lệ lấp đầy trung bình KCN xấp xỉ 60,51%.

Thu hút FDI gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và là nhiệm vụ được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, để Hải Phòng phát triển xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế.

Hiện nay, Hải Phòng có 1 KKT Đình Vũ- Cát Hải (với diện tích 22.540ha), 14 KCN đã được thành lập, trong đó 9 KCN nằm trong KKT (gồm : KCN Đình Vũ, KCN MP Đình Vũ; Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng; KCN Tràng Duệ; Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ (Khu 1); KCN Nam Đình Vũ - Khu 2 (Deep C2A); KCN và dịch vụ Hàng Hải (Deep C2B); KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải  Phòng (Deep C3); KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu) . 5 KCN nằm ngoài KKT gồm KCN Nhật Bản – Hải Phòng; KCN Đồ Sơn Hải Phòng; KCN Nam Cầu Kiền; KCN An Dương và KCN Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng. Tháng 5 vừa qua, KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có diện tích 752 ha vừa được khởi công, hứa hẹn sẽ thêm quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư.  Các KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ với tiện ích (điện, nước, xử lý nước thải) đến chân hàng rào dự án, giao thông thuận tiện, các tuyến đường trục thẳng tới các KCN; kết nối với hệ thống cảng biển, logistics và kết nối liên vùng. Hạ tầng xã hội được quan tâm, bước đầu đã có những dự án nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp, khu kinh tế được đầu tư xây dựng.

 Giới thiệu về KCN Tràng Duệ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng – Hàn Quốc 2023

Theo Quy hoạch, thành phố Hải Phòng có 25 Khu công nghiệp  với tổng diện tích khoảng 15.777 ha (bao gồm 14 Khu công nghiệp đã được thành lập), đây là không gian động lực phát triển của thành phố. Phấn đấu giai đoạn 2021- 2025 có thêm 15 khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng hơn 6000ha) đạt các tiêu chuẩn hiện đại.

Từ đầu tư cho phần cứng là hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, cho đến tăng cường sự hài lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư như: thúc đẩy cải cách hành chính, thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời đổi mới phương thức trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư của thành phố, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế cho thấy Hải Phòng đang hết sức nỗ lực thu hút, đón dòng FDI vào thành phố.

Đặc biệt, trong các ngày từ 11 đến 18/6, đoàn công tác do đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng làm trưởng đoàn đã có chuyến xúc tiến đầu tư quan trọng tại 2 quốc gia: Hàn Quốc và Nhật Bản – 2 đối tác đầu tư lớn nhất của thành phố hiện nay.  Hàng loạt các biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư đã được ký kết, mở ra triển vọng cho một giai đoạn tăng trưởng mới của FDI vào thành phố Hải Phòng.

 

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Hải Phòng – Nhật Bản 2023

02 hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn đầu tư quan tâm, tham dự. Cùng với đó, các cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, với Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JICA), cũng như với chính quyền các địa phương đoàn tới công tác, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản giúp các nhà đầu tư hiểu hơn tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào Hải Phòng và Việt Nam.

Bên cạnh một số biên bản ghi nhớ quan trọng đã được ký kết với đại diện các tập đoàn: STS, LG Electronics, LG Innotek (Hàn Quốc), thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho các dự án cấp mới và  điều chỉnh tăng vốn gồm: Dự án Bumhan Vina Heavy Industries - Nam Dinh Vu, Công ty TNHH Haewon Vina, Công ty TNHH Hala Electronics Vina, Công ty TNHH EST Vina HaiPhong, tổng số vốn đầu tư đạt 230 triệu USD. Đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỷ USD.

 

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố Hải Phòng và Tập đoàn STS, Tập đoàn Tài chính JB, Đại học Quốc gia Gyeongsang, Bệnh viện Đại học quốc gia Gyeongsang

Thông điệp xuyên suốt của Đồng chí Bí thư Thành ủy trong các hội nghị xúc tiến, đó là thành phố Hải Phòng mời gọi đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà thành phố có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, những ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Hải Phòng – Hàn Quốc 2023, Hải Phòng kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện bán dẫn, phát triển hạ tầng và đô thị, xây dựng bệnh viện và trường học... Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hải Phòng - Nhật Bản năm 2023”, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…

Trong các cuộc làm việc với các tập đoàn lớn như LG, SK Group cùng một số tập đoàn lớn khác, Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng thẳng thắn đề nghị các tập đoàn xây dựng Trung tâm R&D tại Hải Phòng.  Thông điệp lớn của thành phố là Hải Phòng muốn tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển của khu vực và thế giới, hướng tới dòng vốn đầu tư bền vững, ổn định lâu dài.

Để có thể thu hút được dòng vốn đầu tư FDI nhiều hơn nữa, ngoài những lợi thế sẵn có về địa – kinh tế, Hải Phòng đang nỗ lực thúc đẩy, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông liên kết vùng, phát triển kinh tế tuần hoàn, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tăng cường kết nối các trường đại học, trường dạy nghề với các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển nguồn lao động chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

THU HẢI

Viết phản hồi của bạn