Thu hút FDI ở Hải Phòng: cơ hội và thách thức

Trong năm 2021, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt từ 2,5-3 tỷ USD, chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu quả cao.

Hải Phòng hướng tới thu hút nhà đầu tư vào các KCN, KKT gắn với việc tập trung đầu tư vào 3 trụ cột kinh tế là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế Thành phố; quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Thực trạng thu hút FDI tại Hải Phòng[1]

*Tình hình thu hút cấp mới và tăng vốn 10 tháng/2021:

Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng thu hút cấp mới và tăng vốn trên toàn thành phố đạt 2.846,93 triệu USD. Trong đó:

- Trong khu công nghiệp, khu kinh tế (đến 14/10/2021): 2.788,41 triệu USD (cấp mới 25 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký 303,59 triệu USD, tăng vốn 42 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 2.484,82 triệu USD);

- Ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 58,52 triệu USD (cấp mới 19 dự án, vốn đầu tư 43 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 12 lượt dự án, vốn đầu tư 15,52 triệu USD).

* Tình hình thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:

Trong 10 tháng đầu năm 2021 có 20 lượt nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với số vốn đăng ký 8,86 triệu USD.

* Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài:

Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài 10 tháng đầu năm 2021 đạt 2.855,79 triệu USD, gấp 2,04 lần so với cùng kỳ năm 2020 (10T/2020 thu hút 1.399,27 triệu USD: cấp mới 66 dự án đầu tư với số vốn cấp mới là 1.000,65 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 23 lượt dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 345,87 triệu USD; 45 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với số vốn đăng ký 52,74 triệu USD), đạt 114,23% kế hoạch thu hút 2021 (Dự kiến thu hút: 2.500 triệu USD).

- Dự án nổi bật: LG Display đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố. Với sự đầu tư này, công ty tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 -10 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/ năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Cơ hội mở ra

Trung ương mở đường:

Các FTA góp phần tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, dỡ bỏ các rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hải Phòng thu hút FDI từ các đối tác.

Bên cạnh đó, tác động của các FTA đối với thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chính việc thực thi các cam kết FTA đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng cường hơn nữa việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chính sách cơ chế mới để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiêp trong và ngoài nước, qua đó tăng cường và đẩy mạnh việc thu hút FDI vào Việt Nam.

Gia tăng sức mạnh

Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ đầu tư thêm 15 khu công nghiệp mới, bổ sung 6.500 ha quỹ đất để đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn mới, bên cạnh 1 Khu kinh tế, 12 khu công nghiệp đang vận hành ổn định.

Với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp như vậy, tới năm 2025, thành phố dự kiến thu hút đầu tư 15-20 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 25-30 tỷ USD; thu hút 300.000 lao động. Đây là nguồn lực rất lớn thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững.

Dẫn đầu xu hướng phát triển

Tại Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố đã thành lập hai khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn trong đó có khu Nam Cầu Kiền. Với vai trò tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng, cùng tầm nhìn xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng, Nam Cầu Kiền đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế và mạng lưới cung cấp dịch vụ toàn diện, từ đó tích lũy giá trị sinh thái Nam Cầu Kiền trong lòng khách hàng, đối tác.

Là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt đầu tư, chiến lược phát triển xuyên suốt của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Một số thách thức

Chọn lọc đầu tư:

Quá trình thu hút FDI đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó còn là tình trạng chuyển giá, trốn thuế.

Chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và sự lan tỏa từ các DN FDI ra toàn ngành và nền kinh tế:

Một số DNNN liên doanh với các DN FDI với mong muốn được tăng thêm tiềm lực về vốn, công nghệ, cơ chế quản lý mới để phát triển và bên Việt Nam được cùng tham gia vào quản lý DN, qua đó học tập, tiếp thu, nhận chuyển giao về bí quyết kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, thế nhưng đến nay, hầu hết các DN liên doanh đều đã trở thành DN 100% vốn nước ngoài, với các hoạt động và quy trình quản lý khép kín.

Kiểm soát dịch bệnh:

Mặc dù tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nhưng thành phố đã tập trung cao, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tuy nhiên vẫn phải đối diện với thách thức hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo các điều kiện để các doanh nghiệp, nhà máy lớn hoạt động ổn định, sản xuất bền vững./.

[1] Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng

LÊ NGỌC MINH