Năm 2022, đầu tư công sẽ tập trung vào dự án tạo động lực phát triển kinh tế

Một trong những nội dung được nêu ra tại kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đó là, tập trung vào các dự án trọng điểm có tính kết nối, có tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương, tạo động lực mới, không gian cho phát triển kinh tế.

Đầu tư công bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành văn bản 6926 về dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng đầu tư công năm 2022 cần bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, bám sát, cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tập trung đầu tư vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương; dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới, không gian cho phát triển kinh tế thời gian tới.

Năm 2022, đầu tư công sẽ tập trung vào dự án tạo động lực phát triển kinh tế

Đầu tư công vốn ngân sách nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội

Mục tiêu, định hướng của đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hợp tác đối tác công-tư; tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, văn bản đề nghị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất của nền kinh tế, tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, vừa góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn…

Dự án phải thuộc danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025

Về nguyên tắc phẩn bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, căn cứ quan điểm, mục tiêu và định hướng đầu tư, trên cơ sở đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được thông báo, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lựa chọn danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án triển khai trong năm 2022 đảm bảo các nguyên tắc: Thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phù hợp với quy hoạch quốc gia, kế hoạch tài chính năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025. Gắn việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2022 với định hướng cơ cấu lại đầu tư công đến năm 2025; Thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản liên quan. Cùng với đó, bố trí vốn cần phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công và khả năng giải ngân thực tế, bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu, các dự án trọng điểm quốc gia, dự án đường ven biển và dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cụ thể như sau, đối với vốn ngân sách trung ương trong nước, danh mục nhiệm vụ dự án bố trí vốn phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao; đáp ứng điều kiện bố trí kế hoạch theo quy định tại Điều 53, Luật Đầu tư công. Cùng với đó, cần bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng trước năm 2022, dự án chuyển tiếp đến nay đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định, các dự án nhóm C chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 của các địa phương

Đối với vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, ưu tiên vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư kết thúc Hiệp định trong năm 2022 không có khả năng gia hạn Hiệp định, chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; dự án khởi công mới đã ký Hiệp định hoặc dự kiến ký Hiệp định đến ngày 31/12/2021 có khả năng giải ngân trong năm 2022; bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án đảm bảo theo tiến độ đã ký kết của các nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, mức vốn bố trí vốn cho từng dự án từ nguồn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ lũy kế bố trí vốn đến hết năm 2021 và không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trừ đi số vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2021 của dự án, phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2022.

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải được xây dựng dựa trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch. Bố trí vốn cho dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản liên quan.

Nguyễn Hòa

Báo điện tử Công Thương - congthuong.vn