Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Với các lợi thế sẵn có như cảng quốc tế, sân bay, các tuyến giao thông đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt, Hải Phòng là một trong số ít các tỉnh thành được ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương và chủ đầu tư các khu công nghiệp, đến nay thành phố này đã tạo được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics điển hình.
Hải Phòng luôn nằm trong top các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, các khu công nghiệp được lấp đầy với tỷ lệ trên 90%, giá đất công nghiệp vào top cao ở miền Bắc với giá trung bình khoảng 120 USD/m2/chu kỳ thuê. Cảng Hải Phòng là một trong những cảng trọng điểm của Việt Nam trong việc giao thương hàng hóa quốc tế.
Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện đang là điểm sáng của Hải Phòng về thu hút các dự án FDI
Số liệu từ Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, sáu tháng đầu năm 2023, tổng thu hút FDI trên địa bàn thành phố đạt 1,98 tỷ USD, bằng 165% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99% kế hoạch năm 2022 (Dự kiến thu hút: 2 -2,5 tỷ USD). Trong đó, cấp mới 44 dự án đầu tư với số vốn cấp mới là 417,68 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 25 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 1.559,47 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp: 08 lượt, số vốn đầu tư đăng ký đạt 4,09 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 872 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 26,15 tỷ USD.
Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung thu hút các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường. Hàn Quốc đầu tư lớn nhất với 8,7 tỷ USD, chiếm 41%; Nhật Bản 3,2 tỷ USD chiếm 15%; Hong Kong 2,6 tỷ USD chiếm 12%; Singapore 2,5 tỷ USD chiếm 12%…
Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6.144 ha. Ngoài ra hiện đang triển khai một số dự án trọng điểm: Dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng), Dự án đầu tư xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (thuộc khu bến cảng Lạch Huyện), Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân viên Công ty TNHH Pegatron Việt Nam…
Theo Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng: Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện hiệu quả chính sách “Đầu tư để thu hút đầu tư”, Hải Phòng đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho kinh tế và bất động sản. Giai đoạn 2 năm đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao và ổn định, GRDP năm 2020 và 2021 đều tăng từ 13- 14%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 12,32%, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Thu hút FDI của thành phố tăng mạnh, nhất là vốn đầu tư FDI vào các KCN.
Năm 2021, đã thu hút trên 5 tỷ USD vốn FDI. Năm 2022 thu hút gần 2,5 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 4 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Tính đến tháng 5/2023 thu hút được 603,31 triệu USD. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đã góp phần gia tăng sức cạnh tranh của thành phố trong cuộc chạy đua thu hút đầu tư.
Thu hút đầu tư có chọn lọc vào KCN, KKT
Năm 2023, Hải Phòng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2- 2,5 tỷ USD, tiếp tục tập trung mở rộng thu hút đầu tư từ các thị trường chiến lược khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Ngoài ra, thành phố này đang tập trung nhiều giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ từ Mỹ và các nước Châu Âu để đa dạng hóa nguồn vốn FDI cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Hải Phòng luôn chú trọng và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, phát triển công nghiệp xanh; mô hình các khu công nghiệp sinh thái và BĐS công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sinh thái.
Ông Đoàn Duy Hưng - Chủ tịch Cổng thông tin BĐS Công nghiệp Việt Nam nhận định: Hải Phòng là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất, đạt trên 90%. Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều nhà đầu tư FDI đến tìm hiểu cơ hội và mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất tại Hải Phòng. Trong điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tổng quỹ đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kho tàng của thành phố Hải Phòng lên đến 13.500ha và đến năm 2040 lên đến 18.500ha. Việc thành phố Hải Phòng được thủ tướng bổ sung quỹ đất công nghiệp sẽ là nền tảng để thành phố có quỹ đất để thu hút thêm các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước.
Quy hoạch điều chỉnh của thành phố Hải Phòng có việc phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao. Khi khu công nghiệp công nghệ cao được hình thành, sẽ là nền tảng thu hút được công nghiệp công nghệ mới. Ngoài ra, thành phố cũng có thể tạo ra “thung lũng Silicon Hải Phòng” trong khu công nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp về nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của các công ty Việt Nam và các công ty khởi nghiệp khác từ các nước trên thế giới.
“Hải Phòng được đánh giá là một trong các tỉnh, thành phố đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bài bản và quy mô hàng đầu của Việt Nam. Thành phố nên tiếp tục đầu tư mạnh vào mảng hạ tầng, tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng như: Hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Xây dựng nhiều cây cầu vượt sông lớn để kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình…Việc đầu tư mạnh vào hạ tầng sẽ là nền tảng để Hải Phòng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các Nhà đầu tư nước ngoài khi mở nhà máy ở Việt Nam”, ông Hưng nhấn mạnh.