THANH HIỆP - ẢNH: PHAN TUẤN
Khu đô thị quốc tế Đồi Rồng (quận Đồ Sơn) được đầu tư hơn 17,3 nghìn tỷ đồng.
(HPĐT)- Năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Phòng chỉ đạt hơn 173.000 tỷ đồng, tuy tăng 1,32% so với năm 2020 nhưng không đạt kế hoạch năm (204.000 tỷ đồng). Đây là 1 trong 6 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu mà Hải Phòng không hoàn thành trong năm 2021. Mặc dù do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, nhưng đây cũng là vấn đề cần quan tâm đốc thúc nhiều hơn để năm 2022 có kết quả tốt hơn.
Nhiều dự án chậm kế hoạch tiến độ
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 của Hải Phòng chưa đạt như kỳ vọng là bước hẫng hụt lớn, bởi liên tục 5 năm liền (2016-2020), Hải Phòng đều hoàn thành kế hoạch với mức tăng trưởng rất cao. Cụ thể, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 563,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,28 lần chỉ tiêu Đại hội 15 của Đảng bộ thành phố đề ra (440 nghìn tỷ đồng) và gấp 3 lần nhiệm kỳ trước (188,3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tới 90%. Đây được coi là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bứt phá của thành phố Hải Phòng trong những năm qua.
Theo phân tích của Cục Thống kê Hải Phòng, vốn đầu tư toàn xã hội được hình thành từ 3 nguồn: vốn ngân sách nhà nước; vốn của doanh nghiệp, của người dân và vốn của khu vực FDI. Năm 2021, nguồn vốn đầu tư công của Hải Phòng được phân bổ tiếp tục có mức tăng trưởng rất cao. Nguồn vốn FDI cũng khả thi. Như vậy, nguyên nhân dẫn tới sụt giảm nằm ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Lý giải của Cục Thống kê Hải Phòng cho thấy, dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề tới các lĩnh vực kinh tế và ảnh hưởng tới các dòng vốn đầu tư. Năm 2021 cũng có thể coi là thời gian chuyển giai đoạn. Các dự án lớn trên địa bàn thành phố như: các khu đô thị Vinhomes, khách sạn 5 sao Flamingo, Nikko… cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động. Một số dự án khách sạn 5 sao khác như Pull Man, BRG… cơ bản hoàn tất quá trình xây dựng, chuẩn bị khánh thành nên nguồn vốn đầu tư giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản vẫn là sự chậm tiến độ của nhiều dự án lớn khác. Trong đó, phải kể tới các dự án phát triển du lịch trên đảo Cát Bà của Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà gần như bị ngừng trệ; dự án Nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood tại huyện Tiên Lãng dừng thực hiện; các dự án của Tập đoàn FLC cũng chưa triển khai… Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư công vẫn chậm tiến độ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mức kỳ vọng.
Nỗ lực tăng nhanh nguồn vốn đầu tư toàn xã hội
Phát huy kết quả đạt được của 5 năm 2016-2020, Hải Phòng phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016-2020. Chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở hàng loạt dự án khởi công và triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là phát triển hạ tầng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha; 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha (khoảng 60-70 nghìn tỷ đồng); thu hút đầu tư FDI từ 12,5-15 tỷ USD. Cùng với đó là các dự án phát triển dịch vụ - du lịch với hàng loạt khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng như: dự án đầu tư xây dựng Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup (khoảng 1 tỷ USD); dự án đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư tại huyện Cát Hải (khoảng 3 tỷ USD); dự án Khu đô thị quốc tế Đồi Rồng của Công ty CP đầu tư và du lịch Vạn Hương (hơn 17,3 nghìn tỷ đồng); Khu đô thị du lịch Cái Giá của Công ty CP đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (khoảng 11 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, đô thị: xây mới thêm 6 đến 8 bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện (khoảng 55 nghìn tỷ đồng), tuyến đường bộ ven biển (khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và các dự án thành phần (khoảng 4 nghìn tỷ đồng); đường vành đai 2 (khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng); đường vành đai 3 (khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng); cầu Nguyễn Trãi (khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng); cầu Vũ Yên (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); Khu đô thị Bắc sông Cấm (hạ tầng kỹ thuật gần 10 nghìn tỷ đồng; các công trình kiến trúc trên 10 nghìn tỷ đồng); đầu tư hạ tầng các huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy để chuyển đổi thành thành phố và quận; xây dựng 6 công viên cấp thành phố (khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng), 59 công viên ở các phường (khoảng 2 nghìn tỷ đồng); xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp (khoảng 7,1 nghìn tỷ đồng); các dự án chỉnh trang các tuyến sông với tổng mức đầu tư 15 nghìn tỷ đồng; xây dựng hạ tầng nông thôn, dự kiến đầu tư mỗi xã khoảng 125 tỷ đồng xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu (khoảng 25 nghìn tỷ đồng)…
Như thế, tiềm năng rất rộng mở. Ngay trong năm 2022, thành phố đề ra mục tiêu tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu khá cao và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa bị đẩy lùi, càng phải phấn đấu nhiều hơn mới đạt được. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa thúc đẩy các dự án đầu tư công, bởi đây được coi là nguồn “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa các nguồn vốn khác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, đồng bộ, nhất quán, để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn thực hiện các công trình, dự án lớn, từ đó góp phần hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố./.