Năm 2021, Việt Nam được ghi nhận sự gia tăng kỷ lục về thu hút đầu tư khởi nghiệp với hơn 1,3 tỷ USD và tiếp tục gia tăng trong 2022…
Chương trình gặp gỡ 2022: Triển vọng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo được tổ chức chiều 10/1/2022.
Theo báo cáo của SIHUB, năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60% từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD. Năm 2021, Việt Nam được ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với hơn 1,3 tỷ USD, con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ là do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub, đánh giá: Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, startup Việt có nhiều triển vọng tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư khởi nghiệp gia tăng. Trọng tâm của SIHUB trong năm 2022 là làm sao phát triển được nhiều công ty spin-off trong trường đại học, viện nghiên cứu.
"SIHUB sẽ dồn sức phát triển hệ thống các công ty spin-off, các startup trong trường đại học. Thứ hai, tập trung xây dựng các chương trình tăng tốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm một kênh giúp họ tháo gỡ và kết nối với thị trường."
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub.
Ngoài ra, SIHUB sẽ dồn sức phát triển hệ thống các công ty spin-off, các startup trong trường đại học. Thứ hai, tập trung xây dựng các chương trình tăng tốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm một kênh giúp họ tháo gỡ và kết nối với thị trường.
Ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Thời gian qua, Chính phủ cũng đang tạo rất nhiều điều kiện để có thể hiệu chỉnh, thay đổi một hệ thống pháp luật hiện hành tạo điều kiện để cho tất cả các doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện, để có thể biến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị trường đổi mới sáng tạo phát triển tốt, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam".
Còn theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thì đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu dựa vào sự tự thân của người trẻ và trông đợi nhiều vào các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Trong khi đó, nguồn lực trong nước dù có nhiều nhưng chưa được khai phá.
“Doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư thành công trong những lĩnh vực khác sẽ trở thành nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo-công nghệ, hình thành các nhà đầu tư nội địa”, ông Quất cho biết thêm.
Đại diện SIHUB đặt vấn đề Việt Nam có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án được gọi vốn; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi vốn. Đơn cử năm 2021 rất thành công nhưng chỉ có 147 dự án được gọi vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi quỹ đầu tư 1 năm gọi vốn chưa được một dự án. Do vậy, các vườn ươm, đơn vị tăng tốc khởi nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được nhà đầu tư cần gì để đáp ứng được thị trường này.
Chiều 10/1, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Innovation Hub (SIHUB) phối hợp cùng Công ty cổ phần Viet Lotus (chuyên hoạt động về đổi mới sáng tạo) và Swiss EP tổ chức "Chương trình gặp gỡ 2022: Triển vọng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo".
Sự kiện là diễn đàn để các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước về khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp điển hình, doanh nghiệp lớn... cùng thảo luận và chia sẻ những định hướng, chiến lược cho hoạt động trong năm 2022. Dịp này, SIHUB và Viet Lotus đã ký kết hợp tác thúc đẩy, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mối sáng tạo trong thời gian tới.