Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái là yêu cầu tất yếu

Việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sinh thái nói riêng...

Ảnh minh hoạ.Ảnh minh hoạ.

Hội thảo giới thiệu dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức chiều 15/7 tại Hà Nội, đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp.

KHÔNG PHÁT TRIỂN ĐƠN LẺ

Là một trong các khu công nghiệp được chọn thí điểm làm khu công nghiệp sinh thái, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thừa nhận rằng trên địa bàn Hải Phòng, có hai khu công nghiệp đi theo hướng này. Đó là, khu công nghiệp DeepC 540ha và Nam Cầu Kiền 270ha, chiếm khoảng 16,5% trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái là yêu cầu tất yếu - Ảnh 1

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai khu công nghiệp sinh thái thí điểm tại Hải Phòng, ông Bùi Ngọc Hải nhấn mạnh đến yếu tố “phải làm ngay từ công tác quy hoạch địa điểm, xác định địa điểm phù hợp với cảnh quan môi trường địa phương. Khi quy hoạch địa điểm, dự kiến ngày các loại hình công nghiệp có thể hỗ trợ cho nhau, liên kết với nhau trong quá trình hình thành sản xuất, doanh nghiệp có thể sử dụng chất thải của doanh nghiệp khác để làm đầu vào”.

Đồng thời, áp dụng ngay những tiêu chuẩn sinh thái trong việc quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tránh xảy ra xung đột sau này.

“Mô hình đòi hỏi sự cộng sinh giữa các khu công nghiệp, hợp tác cao trong chia sẻ các nguồn nguyên liệu, năng lực, theo mô thức kinh tế tuần hoàn. Cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có sử dụng mô hình cộng sinh, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, thu hút vào cụm chung, chứ không phát triển riêng lẻ”, ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời hàng năm, rà soát, quy định lại các ngành nghề, danh mục, dự án thành phố cần khuyến khích đầu tư, hoặc đầu tư có điều kiện, hoặc cấm đầu tư. Trong quá trình đưa các dự án sinh thái, liên tục thẩm tra, đánh giá sự thực hiện của các dự án, loại bỏ những khu công nghiệp không phù hợp.

“Nếu chỉ loay hoay kêu gọi, bằng những chính sách không đủ sức hấp dẫn, tôi e rằng tiến độ chuyển hướng sang khu công nghiệp sinh thái, kỳ vọng phát triển xanh của Chính phủ, không đáp ứng được”.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, từ thực tiễn triển khai tại khu công nghiệp Đình Vũ, Nam Cầu Kiền, có một hạn chế không hề nhỏ là chưa được quy định chính thức cho việc sử dụng chất thải, làm các công trình hạ tầng.

"Vì vậy, khi chưa có quy định chính thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành những tiêu chuẩn tạm thời. Đồng thời, chính sách dành cho khu công nghiệp sinh thái cần hấp dẫn hơn, nhất là trong giai đoạn đầu, cần kích hoạt tạo thành phong trào chuyển đổi lớn", ông Hải nêu kiến nghị.

Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, để "thúc" chuyển đổi một khu công nghiệp từ truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp cần được hưởng nhiều ưu đãi hơn, như tại các khu công nghệ cao.

Trước đề xuất này, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ đang sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, với nhiều chính sách ưu đãi nhiều hơn, thể hiện cam kết Chính phủ về việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang các mô hình chuyển đổi bền vững, tiệm cận các cam kết quốc tế.

PHÁT TRIỂN "NÓNG", ĐỂ LẠI NHIỀU HỆ LUỴ

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp là 70%, có 90% khu công nghiệp có khu xử lý nước thải.

Thực trạng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đến hết năm 2020Thực trạng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đến hết năm 2020

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, đến nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã hút được 10.528 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư 220,18 tỷ USD; 9.995 dự án đầu tư trong nước hơn 2.420 nghìn tỷ đồng.

Các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế góp phần đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, sự phát triển nóng các khu công nghiệp đã gây tác động xấu đến môi trường và cuộc sống người dân xung quanh. Chỉ rõ hạn chế trong phát triển các khu công nghiệp, bà Vương Thị Minh Hiếu cho hay “nhiều khu công nghiệp sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên. Nhiều khu chưa hoàn thành khu xử lý nước thải tập trung, chưa xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, rất khó kiểm soát”. Ngoài ra, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, các cụm công nghiệp lỏng lẻo dẫn đến năng lực cạnh tranh hạn chế.

Dẫn chứng sự cạn kiệt tài nguyên do tình trạng khai thác quá mức và sử dụng không hiệu quả, ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) minh hoạ, để sản xuất 1 tấn giấy cần 100 m3 nước. Sản xuất 1 lít sữa tốn 5 lít nước. Sản xuất 1 kg đường tốn 15 lít nước.

Trong khi đó, 90% nguồn tài nguyên trở thành chất thải ngay sau khi được khai thác. 80% sản phẩm bị thải bỏ sau 1 lần sử dụng. Lấy ví dụ, một tuýp kem đánh răng tạo ra 1,5kg chất thải; một chiếc điện thoại di động tạo ra 75kg chất thải… “Tài nguyên như năng lượng, nước... ngày càng cạn kiệt và chi phí tài nguyên ngày càng tăng. Ô nhiễm môi trường từ chất thải ngày càng báo động”, ông Thắng nhấn mạnh.

SẼ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH RA TOÀN QUỐC

Trước thực trạng cạn kiệt tài nguyên và khách hàng, thị trường đang hướng tới những sản phẩm thân thiện và hiệu quả với môi trường, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó, phát triển khu công nghiệp, kinh tế bền vững hơn, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Khu công nghiệp DeepC được chọn làm thí điểm khu công nghiệp sinh thái.Khu công nghiệp DeepC được chọn làm thí điểm khu công nghiệp sinh thái.

Việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về khu công nghiệp sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.

Nổi bật là dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố, gồm: TP. HCM, Đồng Nai, Hải Phòng, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn quốc.

"Cần hình thành hệ sinh thái khu công nghiệp, có tính tương hỗ lẫn nhau. Đầu ra của doanh nghiệp này có thể là đầu vào tối ưu cho các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tương tác với nhau giống như tương tác trong một hệ sinh thái thiên nhiên khép kín, không có chất thải loại bỏ ra môi trường".
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, đặc biệt, việc phát triển bền vững các khu công nghiệp phải đi từ các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cải tiến hơn công nghệ, sản xuất sạch hơn, hướng đến giảm chất thải, nguồn thải, tiêu hao sử dụng năng lượng.

Với truyền thống phát triển khu công nghiệp, là địa phương đi đầu trong tổ chức thành lập khu công nghiệp, ông Bùi Ngọc Hải cho biết, ngay từ khi chưa có Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng đã chủ động liên hệ, triển khai chương trình phát triển xanh, trong đó có nội dung phát triển khu công nghiệp sinh thái với đối tác Nhật Bản. “Việc triển khai các khu công nghiệp sinh thái là nhu cầu tất yếu. Đây cũng là điểm quan trọng, quyết định lợi thế cạnh tranh của thành phố, của Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng và của chủ đầu tư”, ông Hải nhấn mạnh.

Được biết, Hải Phòng là một trong những thành phố đầu tiên trong cả nước hình thành Khu công nghiệp Nomura từ năm 1993. Theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng có 24 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 12.000 ha. Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Hải Phòng đã phát triển 12 khu công nghiệp với diện tích 5.000 ha, thu hút 570 dự án, bao gồm 400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 17,5 tỷ USD và 7 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong nước. Quy mô dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất đạt 3,25 tỷ USD, trong nước nổi danh với tổ hợp ô tô Vinfast trị giá 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Đình Vũ.

Các khu công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu lên đến 80% tổng giá trị kim ngạch của thành phố, 70% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, giải quyết 160.000 lao động, 4.500 lao động nước ngoài, chuyên gia, nhà quản lý thường xuyên làm việc trong các khu công nghiệp.

Theo Nghị định 82, một khu công nghiệp được coi là khu công nghiệp sinh thái phải đạt các tiêu chí như có ít nhất 25% diện tích là cây xanh. Giao thông, hạ tầng dịch vụ được dùng chung và tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP); tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp RECP; ít nhất 10% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp...

Tại Việt Nam, dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2020 đến 2023. Ba khu công nghiệp đã được lựa chọn để tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn và tăng cường năng lực, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, gồm Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai); Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C- thành phố Hải Phòng); Khu công nghiệp Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh).

Ánh Tuyết

https://vneconomy.vn/chuyen-doi-sang-khu-cong-nghiep-sinh-thai-la-yeu-cau-tat-yeu.htm

Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - Vneconomy.vn