Các công trình giao thông trọng điểm: Thi công nhanh, về đích sớm

ĐỨC PHONG - ẢNH: NGUYỄN THI

Đơn vị thi công lắp đặt bản mặt cầu chính của cầu Rào.

(HPĐT)- Những ngày cuối năm 2021, đi trên đường Bùi Viện, Lạch Tray, hiện ra hình ảnh rõ nét của một cây cầu mang biểu tượng “cánh sóng vươn xa” đặc trưng của Hải Phòng đang trong quá trình hoàn thiện. Trên từng nhịp cầu là những công nhân đang hối hả thi công, đưa dự án về đích, thông xe theo kế hoạch.

Liên tục đổi mới rút ngắn tiến độ

Có lẽ ít dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông lại liên tục được rút ngắn tiến độ thi công như dự án cầu Rào, khi thời hạn thông xe từ 18 tháng, rút xuống còn 15 tháng rồi 13 tháng theo yêu cầu của thành phố: không để người dân phải chờ đợi lâu. Việc rút ngắn tiến độ là thử thách đối với những người thợ làm cầu, bởi thời gian rút ngắn đồng nghĩa phải nỗ lực nhiều lần. Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đinh Phú Hiếu chia sẻ, khi triển khai, dự án này vấp phải nhiều trở ngại. Đó là, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tàu chở thép từ nước ngoài về công trường chậm 35 ngày. Công tác giải phóng mặt bằng không dễ dàng, khi ngay cả đến cuối năm 2021 vẫn gặp những vướng mắc, trong khi UBND thành phố chỉ đạo phải hoàn thành phần việc này trước đó 1 tháng. Để thực hiện dự án theo tiến độ, chỉ có thay đổi biện pháp thi công và tận dụng mặt bằng theo phương châm có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó. Thay vì thi công đồng loạt ngay tại công trường, thép được chia nhỏ về các nhà máy rồi vận chuyển về địa điểm thi công. Cách làm này tuy tốn kém, nhưng bảo đảm chất lượng và đáp ứng được tiến độ. Mặt bằng có đến đâu triển khai ngay đến đó...

Cách làm ưu tiên sự đổi mới và tận dụng tối đa các điều kiện sẵn có không chỉ thúc đẩy nhanh dự án cầu Rào mà còn được áp dụng hiệu quả đối với các công trình giao thông khác. Trong khó khăn của dịch bệnh COVID-19, phải tận dụng mọi thời gian và mặt bằng, nhưng “bộ đôi” cây cầu Dinh và Quang Thanh cũng kịp hoàn thành trong tháng 6-2021, vượt tiến độ 2 tháng. Dự án tuyến đường nối từ nút giao thông Nam cầu Bính đến đường Tôn Đức Thắng- Máng Nước những tưởng không thể hoàn thành trong năm 2021 do vướng mắc về mặt bằng, nhưng nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Ban quản lý dự án và huyện An Dương, nên đã kịp thông xe trong tháng 10-2021. Cách làm này cũng được áp dụng trên dự án đầu tư xây dựng đường Đông Khê 2 (bị dừng sau 10 năm) và đến ngày 25-1-2022 sẽ thông xe…

Chỉ đạo của UBND thành phố: không để người dân phải chờ đợi lâu không chỉ là mệnh lệnh mà còn là động lực, trách nhiệm đối với công tác quản lý, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, khi có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Vũ Duy Tùng thông tin, bên cạnh việc hỗ trợ các dự án giao thông theo chuyên ngành, Sở Giao thôngVận tải luôn phối hợp kiểm tra, đánh giá để tổ chức phân luồng giao thông kịp thời, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của thành phố.

Tạo nền móng cho các dự án mới

Đánh giá về tiến độ một số dự án giao thông triển khai trên địa bàn thành phố trong năm 2021, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định, sự đổi mới của đơn vị quản lý dự án, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và chủ động từ nhà thầu, tư vấn giám sát góp phần thúc đẩy các công trình giao thông. Trong đó, sự đổi mới cách làm từ Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào là điển hình. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị triển khai cách làm mới, tận dụng thời gian, mặt bằng nên tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Đây là tiền lệ tốt đối với công tác thi công các công trình giao thông trên địa bàn thành phố chuẩn bị triển khai trong thời gian tới, không chỉ các dự án trọng điểm của thành phố mà còn ở các địa phương.

Theo Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng Đỗ Tuấn Anh, khi triển khai các dự án, nhiều khó khăn không thể lường trước do những điều kiện khách quan, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng để khắc phục những khó khăn đó, cách tốt nhất là phải chủ động trước các phần việc. Đây sẽ là cách làm để áp dụng xuyên suốt các dự án xây dựng công trình giao thông trong thời gian tới để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Song hành với đó là sự vào cuộc nhanh chóng của các ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan để tháo gỡ các “điểm nút” của từng dự án… Sự xuyên suốt của “ba nhà” gồm: quản lý dự án, nhà thầu-tư vấn, chính quyền địa phương, đã mang lại hiệu quả của nhiều dự án giao thông trong giai đoạn 2020-2021.

Năm 2022, thành phố dự kiến triển khai nhiều công trình giao thông, trong đó có những công trình trọng điểm như: cầu Nguyễn Trãi, cầu Bến Rừng, cầu Rào 3, cầu Lại Xuân… Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện nâng cấp các tuyến phố, đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố triển khai nâng cấp quốc lộ 37 trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo theo dự án của Bộ Giao thông- Vận tải. Với những dự án, công trình lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, việc đổi mới cách làm sẽ là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Sự đổi mới trong công tác điều hành và liên kết kịp thời giữa “ba nhà” đã tạo nên nền móng vững chắc đối với các công trình, dự án giao thông ở Hải Phòng năm 2021 và những năm tiếp theo./.

Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Vũ Duy Tùng cho biết, để hỗ trợ các dự án trong công tác chuyên môn, Sở đổi mới về cải cách hành chính, nhất là thẩm định các dự án theo phân cấp bảo đảm nhanh chóng, đúng quy định. Năm 2021, Sở thẩm định 51 công trình, dự án đúng và trước hạn. Bước sang năm 2022, ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, công tác thẩm định các công trình, dự án giao thông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần đưa các công trình về đích nhanh chóng, bảo đảm về chất lượng, sớm đưa vào phục vụ người dân.

Báo Hải Phòng điện tử - baohaiphong.com.vn