VIFTA: 12 năm nỗ lực "gieo hạt giống" thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Đàm phán VIFTA khởi động năm 2015 nhưng những văn bản tham mưu chính sách đã được khởi thảo từ năm 2011 và để VIFTA “về đích”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ trước đó. Quá trình đàm phán luôn phản ánh tập trung sự lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung hào hứng chia sẻ với TG&VN như vậy, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) “về đích” đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Sau 7 năm, với 12 phiên đàm phán, ngày 2/4 vừa qua, tại Tel Aviv, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán FTA giữa hai nước. Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của FTA này?

Kết thúc đàm phán VIFTA sau nhiều năm và nhiều cuộc đàm phán kéo dài là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chuyên gia các bộ ngành thành viên Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những trụ cột quan trọng của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập kinh tế.

Với nòng cốt là các cán bộ của ngành công thương phối hợp với chuyên gia các ngành tài chính, đầu tư, ngoại giao, tư pháp và các ngành khác, Việt Nam đã từng bước tham gia và chủ động đàm phán có lộ trình tổng cộng 17 FTA, với 13 FTA đã được đưa vào thực thi trên thực tế, FTA giữa Việt Nam và Israel vừa kết thúc đàm phán chuẩn bị ký kết, 2 FTA khác đang đàm phán và 1 FTA vừa khởi động đàm phán.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Qua đó, có thể thấy, kể từ khi bắt đầu hội nhập FTA năm 1996, các chuyên gia đã nỗ lực vượt bậc, từ việc đưa Việt Nam tham gia vào các khuôn khổ sẵn có đến chủ động đồng khởi xướng đàm phán và tạo lập các khuôn khổ trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trên cơ sở cân đối nội dung phù hợp nhất với lợi ích quốc gia.

Những thành tựu của ba thập niên hội nhập kinh tế quốc tế phản ánh tính chất nhất quán của đường lối đối ngoại của Đảng qua nghị quyết các Đại hội đối với công tác ngoại giao kinh tế, mà điểm nhấn quan trọng là việc ban hành Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư năm 2010 về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được phát triển lên một bước qua Nghị quyết 22-NQ/TW năm 2013 về giai đoạn hội nhập toàn diện của đất nước trên tinh thần “hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế”.

Đàm phán VIFTA khởi động năm 2015 nhưng những văn bản tham mưu chính sách đã được khởi thảo từ năm 2011. Như vậy, để VIFTA “về đích”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc từ trước đó. Quá trình đàm phán luôn phản ánh tập trung sự lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng đối với công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.

Như vậy, chúng ta đã dành 12 năm nỗ lực để “gieo hạt giống thương mại tự do” trên mảnh đất Việt Nam-Israel. Năm 2023, là năm Việt Nam và Israel kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là năm đầu tiên triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

VIFTA được ký kết trong năm nay chính là một “trái ngọt” mà Việt Nam xứng đáng được thụ hưởng, bởi chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đàm phán và kiên nhẫn chờ đợi ngày kết thúc từ bấy lâu nay.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại khu vực này. Theo Đại sứ, hàng hóa Việt Nam có cơ hội thế nào sau khi FTA Việt Nam-Israel được ký kết?

VIFTA là một hiệp định thương mại tự do mang tính chất truyền thống. Theo đó, Việt Nam chúng ta đã đạt được thỏa thuận rất đáng khích lệ về thương mại hàng hóa.

Cụ thể, theo cam kết, Israel sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với tổng cộng hơn 90% số dòng thuế, trong đó xóa khoảng trên 65% số dòng thuế cam kết ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và khoảng trên dưới 25% số dòng thuế khác theo lộ trình từ 3 đến 10 năm.

Israel đã cam kết dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất 0% trong hạn ngạch đối với một số mặt hàng bao gồm trứng, thịt, khoai tây, cà rốt, nấm, mật ong, cá ngừ và các mặt hàng khác.

Có thể thấy rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị sẵn lượng sản phẩm hàng hóa nhất định, đúng và đủ theo hạn ngạch Israel đã cam kết cũng như các mặt hàng phi hạn ngạch khác để đưa hàng Việt Nam xâm nhập thị trường Israel ngay khi VIFTA có hiệu lực, rất có thể là vào những ngày đầu tiên của năm 2024 như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Doanh nghiệp cần chú trọng điều gì để khai thác triệt để những lợi ích mà hiệp định này mang lại, thưa Đại sứ?

Để có thể khai thác được triệt để hay tối ưu hóa lợi ích của VIFTA, tôi nghĩ, trước hết doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu sơ bộ tổng thể về kinh tế - xã hội và thói quen tiêu dùng của người dân Israel.

Ví dụ, người Israel đón năm mới vào khoảng tháng 9 hàng năm và sử dụng rất nhiều mật ong vào dịp này, ăn nhiều bánh donut vào dịp tháng 12 Dương lịch, tổ chức lễ hội giống như Rằm tháng 8 của Việt Nam vào dịp tháng 3 Dương lịch hàng năm, và tháng 4 hoặc tháng 5 Dương lịch hàng năm là thời điểm bỏ đồ cũ và mua tất cả đồ mới cho cả gia đình từ nội thất cho đến đồ đạc sẵn sàng để đi du lịch…

Lâu nay, chúng ta biết đến Israel là một đất nước có tinh thần khởi nghiệp - tinh thần doanh nhân rất mạnh mẽ, người lao động Israel rất sáng tạo, được đào tạo rất bài bản và lực lượng lao động rất đa dạng bao gồm nhiều chủng tộc khác nhau, định hướng giới tính khác nhau, địa vị kinh tế - xã hội khác nhau và tôn giáo khác nhau.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Bản thân Israel là quê hương của ba tôn giáo chính trên thế giới bao gồm Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Như vậy, trong lòng Israel có ít nhất ba thị trường hàng hóa tiêu dùng khác nhau liên quan đến các qui định về lễ giáo riêng của từng tôn giáo.

Bên cạnh đó, Israel nổi tiếng thế giới với hình ảnh “Quốc gia Khởi nghiệp”, đi đầu về đổi mới sáng tạo trên rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Israel tập trung đầu tư rất nhiều nguồn lực cho giáo dục và nghiên cứu khoa học. Do đó, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ mà Israel cung cấp cho thị trường Israel cũng như thị trường thế giới là rất cao.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao của Israel bùng nổ, với khoảng 50 tỷ USD đã được rót vào lĩnh vực này, làm cho thu nhập bình quân đầu người của Israel năm 2023 dự kiến sẽ đạt mức 58.000 USD, đứng thứ 14 trên thế giới. Israel có khoảng hơn 200.000 triệu phú đô la Mỹ, chiếm 0,3% tổng số triệu phú đô la Mỹ trên thế giới.

Với sự bùng nổ về công nghệ, hầu hết lực lượng lao động bị hút vào ngành công nghệ cao gây ra thiếu hụt lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế tạo.

Từ đó, thị trường Israel thiếu hụt sản phẩm tiêu dùng trong khi thu nhập cá nhân tăng cao khiến cho giá cả hàng hóa tăng phi mã, đời sống người dân thường gặp nhiều khó khăn vì phải vật lộn với bão giá trong những năm gần đây.

Để bình ổn thị trường và bảo đảm trật tự an toàn và an sinh xã hội, Israel phải đẩy nhanh mở cửa thị trường để đa dạng hóa nguồn cung nhằm kiềm chế đà tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, Israel đã ký các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) và UAE (có hiệu lực từ 1/4/2023) và ngày 2/4 vừa qua đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) đánh dấu kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam.

Cần lưu ý thêm, cho đến trước dịch Covid-19, Israel đã ký FTA với Mỹ, Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Jordan, Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Mercosur, Colombia, Panama, Ukraine và Vương quốc Anh. Israel cũng đang tiếp tục đàm phán FTA với Australia, Bahrain, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh kinh tế Á - Âu.

Như vậy, có thể thấy, mạng lưới FTA của Israel khá rộng, chứng tỏ thị trường có sức hút lớn và lợi ích của FTA mang lại cho Israel và các đối tác của Israel là hiện hữu. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để khai thác tốt nhất những lợi ích mà VIFTA mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng cần đi đầu trong nghiên cứu và tổ chức xúc tiến, chủ động trực tiếp nắm bắt thông tin thị trường, học hỏi cách thức làm thương mại của các doanh nghiệp Israel để nhanh chóng thâm nhập vào thị trường của gần 7 triệu người Do Thái, gần 7 triệu người Arab Israel, Arab Palestine cũng như 1 triệu người tiêu dùng còn lại bao gồm người công giáo, người nhập cư từ châu Á, Âu, châu Phi và những người lao động các nước được phái cử đến Israel theo các Hiệp định hợp tác lao động mà Israel ký với các nước cũng như khoảng 5 triệu khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến Israel tham quan, hành hương hàng năm.

Xuất phát từ thực tiễn thói quen tiêu dùng của người dân Israel là sẵn sàng đón nhận thành phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng gói bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm rõ các quy định của Israel về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật về nhãn mác và đóng gói. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ hoàn thiện hơn các qui trình sản xuất kinh doanh và ngày càng lớn mạnh về qui mô cũng như thương hiệu.

Kể từ tháng 9/2022, Israel đã “hạ chuẩn” bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn EU về an toàn thực phẩm, loại bỏ hầu hết các qui định tiêu chuẩn riêng của Israel vốn khắt khe hơn tiêu chuẩn EU đối với hàng hóa tiêu dùng.

Trong khi đó, từ năm 2020, hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đáp ứng các tiêu chuẩn của khối theo hiệu lực của FTA EVFTA, vì vậy, hàng hóa của đất nước hình chữ S đã vào EU sẽ có nhiều thuận lợi tại Israel, khi VIFTA có hiệu lực.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Đại sứ kỳ vọng thế nào về hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sau khi FTA Việt Nam-Israel được ký kết? Đâu là những lĩnh vực mà hai bên sẽ thúc đẩy và có cơ hội hợp tác sâu hơn trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đang ở mức khoảng hơn 2,2 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 800 triệu USD và nhập khẩu hơn 1,4 tỷ USD.

Với quy mô thị trường, thói quen tiêu dùng và yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa nói trên của Israel cũng như nhìn vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn, bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn thì kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt mức 3-4 tỷ USD trong thời gian không xa.

Hai bên sẽ mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nhau, cùng nâng kim ngạch song phương tăng nhanh nhưng cũng cân bằng hơn, giảm thâm hụt của phía Việt Nam trong cán cân.

Đáng lưu ý, Việt Nam sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp Israel tham gia vào ngành bán lẻ, cho thuê phương tiện máy móc không kèm người điều khiển, dịch vụ quảng cáo và các lĩnh vực khác kể cả mở cửa thị trường mua sắm công khi điều kiện cho phép.

Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm hiểu và đầu tư vào các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh như pin dùng cho xe ô tô điện, công nghệ y tế - dược phẩm, vật liệu mới và qui trình đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel VIFTA: 12 năm nỗ lực “gieo hạt giống” thương mại tự do trên mảnh đất Việt Nam - Israel

Về phía Israel, cũng đã có các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Tiêu biểu như Công ty Delta Galil đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, vải dệt thoi, công nghệ nhuộm, vải dệt kim, vải đan móc, vải không dệt khác và các sản phẩm khác mà Israel có thế mạnh, đang thuộc tốp dẫn đầu thế giới, nhất là nguyên liệu đầu vào cho ngành may mặc có thể đáp ứng nhu cầu tại chỗ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, hai bên có thể tăng cường hợp tác để tối ưu hóa các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ hiện có đồng thời thúc đẩy hợp tác về công nghệ số hóa và các giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp như giống, xử lý nước, phân bón và vật liệu mới.

Việt Nam sẽ chủ động khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ cao.

Trên cơ sở cơ cấu kinh tế hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau một cách tích cực, hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau giúp cả hai bên đều có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau.

Khi các luồng di chuyển hàng hóa gia tăng nhanh, người tiêu dùng hai bên biết đến hàng hóa của nhau nhiều hơn, doanh nghiệp hai nước sẽ tăng đầu tư vào các lĩnh vực theo thế mạnh, nhu cầu và khả năng tiếp nhận của nhau sẽ làm gia tăng giao lưu về con người.

Từ đó, góp phần tăng trưởng về du lịch, dịch chuyển về lực lượng lao động giữa hai nước và kéo theo vận tải cả hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không cũng tăng trưởng trở thành chất xúc tác cho các đường bay thẳng giữa Israel và Việt Nam sẽ được chính thức triển khai trong tương lai không xa.

Xin cảm ơn Đại sứ!

baoquocte.vn