Nhiều đường phố mới của Hải Phòng được mang tên các danh nhân của đất nước.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 300 đường, phố được đặt tên. Qua thời gian, mỗi tên đường, tên phố như nhân chứng và lắng đọng lịch sử, văn hóa riêng có của miền đất cửa biển.
Không chỉ là tên đường, tên phố
Tên đường, phố không đơn thuần để phân biệt các tuyến đường, phố và quản lý hành chính đô thị, mà còn mang đặc trưng văn hóa, lịch sử của mỗi vùng miền, địa phương; tôn vinh những danh nhân, vùng đất lịch sử, thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân… Điều này lý giải vì sao, nếu như nhắc đến Thủ đô Hà Nội, ai cũng mặc nhiên nhớ tên 36 phố, phường, còn nhắc đến Hải Phòng cũng không thể quên “những cái tên nghe chẳng thơ đâu, nhưng với ta vô cùng oanh liệt. Ôi, tha thiết tự hào quê hương!”… đi vào ca khúc nổi tiếng “Thành phố Hoa phượng đỏ”.
Nhà sử học Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng nhận xét, tên đường, phố ở Hải Phòng mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất ven biển, nơi được khai hoang, lấn biển, nơi người dân hội tụ về đây an cư lạc nghiệp, phát triển thành phố đến ngày nay. Qua quá trình thời gian, mỗi đường, phố gắn với quá trình hình thành, bảo vệ và phát triển thành phố Cảng. Đó là những đường, phố được đặt từ tên gọi của các làng cổ xưa dân dã, dễ nhớ, dễ đọc như: phố Cầu Đất, Cát Dài, Lạc Viên… đến các tên gắn liền các di tích lịch sử như đường Đông Khê đi qua đình Đông Khê (quận Ngô Quyền)…. Hay nhiều đường, phố gắn 2 tên xưa và hiện tại như: đường Hai Bà Trưng - Cát Dài; phố Lương Khánh Thiện - phố Ga; phố Chu Văn An – ngõ TA… Là dịa phương có dòng sông Bạch Đằng huyền thoại gắn liền lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, tên đường, phố Hải Phòng còn gắn với những tên tuổi danh nhân, danh tướng làm nên 3 lần chiến thắng Bạch Đằng Giang vang dội đến hôm nay, đặc biệt thời nhà Trần. Những tên tuổi ấy quy tụ thành tên đường, tên phố chạy dọc dòng sông Tam Bạc, quanh khu vực trung tâm thành phố như: Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải... Không chỉ vậy, như nối dài thêm truyền thống lịch sử của cha ông ta, tên đường, tên phố còn in dấu tên tuổi các chiến sĩ cách mạng như: Trần Phú, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, Phạm Hồng Thái, Phạm Văn Đồng... Những tên đường, phố như kể với người dân, các thế hệ người Hải Phòng câu chuyện lịch sử nối dài từ thời Nữ tướng Lê Chân khai sinh “Hải tần phòng thủ” đến hào khí Đông A thời Trần, qua giai đoạn kháng chiến oanh liệt chống Pháp, chống Mỹ, để rồi vươn lên mạnh mẽ đổi thay quê hương bứt phá hôm nay.
Đô thị Hải Phòng ngày càng phát triển, mở rộng, nhiều vùng đất mới, khu dân cư mới đang tiếp tục mọc lên. Nhiều tuyến đường, phố khang trang, hiện đại tiếp tục được đặt và mang tên các vị danh nhân, các nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước, có công lớn đối với quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng, phát triển thành phố như: Đường Đỗ Mười, Trần Kiên (ở khu đô thị Bắc sông Cấm), đường Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ (quận Hải An và huyện An Dương)… Còn nhiều con đường, tuyến phố khác sẽ có tên mới trong nay mai. Cứ thế, lịch sử thành phố thể hiện qua tên đường phố ngày thêm dày dặn và giàu giá trị.
Tự hào, lan tỏa truyền thống văn hóa, lịch sử
Hải Phòng có những con phố, con đường nhỏ, mang cái tên thật giản dị thân thương đi vào tiềm thức, nỗi nhớ của những người con Hải Phòng khi xa quê và ấn tượng với bất kỳ du khách nào đến nơi đây. Đúng như nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng nói: “Thật lạ kỳ, tên đường, phố bỗng hóa tâm hồn của người Hải Phòng nơi miền cửa biển tự bao giờ!”.
Chị Nguyễn Thanh Thúy, ở phố Cầu Đất (quận Ngô Quyền) cho biết, chị vui mừng khi phố phường mở rộng về các vùng ven sông Cấm, Lạch Tray… , nhiều tên đường, phố mới hình thành vừa lạ, vừa quen. Lạ vì những con đường mang khí thế, thời cơ, vận hội mới, quen vì được mang tên các danh nhân, danh tướng, người tài gắn liền với quá trình bảo vệ và xây dựng thành phố, đất nước. Tuy nhiên, chị Thanh Thúy cho rằng: “Tên đường, phố chính là cách giáo dục truyền thống lịch sử trực quan sinh động nhất đối với mỗi người dân đất Cảng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Vì vậy, để phát huy, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa từ tên đường, phố, tại mỗi bảng tên đường, phố nên được kèm theo chú thích ngắn gọn về lịch sử, ý nghĩa liên quan thì càng có giá trị giáo dục hơn”.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiếp tục tham mưu Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng, UBND thành phố xây dựng hồ sơ đối với gần 50 phố để đề nghị cấp có thẩm quyền đặt tên theo quy định. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, việc đặt tên đường, phố được lấy ý kiến và tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của tên gọi tới đông đảo nhân dân thành phố. Đồng thời, sau khi có quyết định đặt tên đường, phố, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để mỗi người dân thêm hiểu, yêu, tự hào và có trách nhiệm hơn với nơi mình đang sống, từ đó góp phần xây dựng thành phố ngày một khang trang, giàu đẹp, hiện đại, văn minh hơn./.