Công viên khoa học - công nghệ

Công viên công nghệ là một cách gọi khi nói về khu công nghệ, được thiết kế để chuyên về nghiên cứu, phát triển, sản xuất công nghệ. Khi được biết đến đầu tiên vào thập niên 1950, công viên công nghệ được thiết kế với mục đích tạo không gian và hạ tầng thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đổi mới sáng tạo, phát triển. Công viên công nghệ đảm bảo không gian văn phòng phù hợp, các phòng nghiên cứu, hạ tầng nhà kho, các trung tâm hội nghị, hội thảo… được trang bị đầy đủ, hiện đại.

Tại nhiều quốc gia, công viên công nghệ thường được xây dựng ở những địa điểm gần các trường đại học, các trung tâm công nghệ, thuận lợi về kết nối đi lại ở nhiều phương thức. Trung tâm thông tin truyền thông lớn nhất ở châu Âu là thành phố khoa học Kista, nằm tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, và trong khoảng cách di chuyển thuận lợi với máy bay Arlanda và thủ đô Stockholm[1]. Thành phố khoa học Kista được thành lập vào thập niên 1970, là nhà của một số công ty lớn có tên tuổi như Ericson, IBM, các công ty khởi nghiệp, các trường đại học hàng đầu của Thụy Điển, và được gọi là “thung lung Sillicon” của châu Âu[2]. Thành phố khoa học Kista được xây dựng theo mô hình hợp tác đổi mới giữa lĩnh vực công, các doanh nghiệp, và giới học thuật, nghiên cứu; toàn bộ tổ hợp của thành phố được trang bị internet với rất nhiều hạ tầng tiện nghi.

Tòa nhà Victoria tại Kista, có chiều cao 120m, là một trong những tòa nhà cao nhất tại Scandinavia. Nguồn ảnh: https://keralakaumudi.com/en/news/news.php?id=359976&u

Khu công nghệ tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm “chất xám” để ứng dụng triển khai trong các nền kinh tế. Công viên công nghệ cũng là nơi để các nhà khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực viết phần mềm, nghiên cứu công nghệ, làm việc, nghiên cứu, chia sẻ, phát triển ý tưởng phần mềm, công nghệ. Công viên công nghệ cũng là một môi trường thực tiễn tốt cho bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực công nghệ.

Công viên khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích, từ chia sẻ kiến thức, tiếp cận hạ tầng và thiết bị nghiên cứu, triển khai thử nghiệm, đánh giá, thúc đẩy đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới thương mại, gia tăng giá trị của các chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực, và toàn cầu, tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các chính phủ, chính quyền, trường đại học, công ty tư nhân, các nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ, khoa học.

Về lợi ích với môi trường, công viên công nghệ, nhất là công viên công nghệ cao có xu hướng ít gây ảnh hưởng lên môi trường. Trong tương quan với mô hình khu công nghiệp phục vụ các ngành công nghiệp nặng như sản xuất hóa chất hay sản xuất thép, mô hình công viên công nghệ tập trung vào nghiên cứu, phát triển các phần mềm, các ứng dụng số, phát triển các ý tưởng... Công viên công nghệ vì vậy ít gây tác động đến môi trường trực tiếp và gián tiếp. Thêm nữa, các sản phẩm phần mềm, công nghệ ngược lại sẽ được ứng dụng phục vụ nâng cao hiệu suất sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững.

Theo UNESCO, khoảng trên 400 khu công nghệ hiện diện và vận hành trên khắp thế giới, và số lượng công viên khoa học tiếp tục gia tăng. Đứng đầu trên thế giới về số lượng công viên khoa học là Hoa Kỳ với trên 150 công viên khoa học; Nhật Bản xếp vị trí thứ hai với 111 công viên khoa học. Ở châu Á, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các khu khoa học/công nghệ từ giữa những năm 1980; đến nay có khoảng 100 khu công nghệ/khoa học tại nước này[3].

Là quốc gia đi đầu thế giới về các khu công nghệ và khoa học, Hoa Kỳ đầu tư mạnh cho lĩnh vực nghiên cứu, phát triển phần mềm, công nghệ, khoa học. Ví dụ, khu công nghệ Delaware tại bang Delaware (Hoa Kỳ) tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, các giải pháp năng lượng tái tạo bền vững, công nghệ thông tin đi đầu, vật liệu tiên tiến trong lĩnh vực giải trí game, công nghệ tài chính. Thêm nữa, môi trường đầu tư hấp dẫn của bang Delaware là một điểm cộng tạo thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu công nghệ Delaware. Thung lũng Sillicon ở bang California (Hoa Kỳ) được biết đến là một trung tâm dẫn đầu toàn cầu về đổi mới công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, là nhà của rất nhiều công ty công nghệ, phần mềm và internet. Thung lũng Sillicon là nơi đặt trụ sở của trên 30 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 1000 do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) bình chọn, như Apple, Microsoft...

Số lượng lao động làm việc tại Sillicon Valley trong giai đoạn 2001-2020: Tier 1 (kỹ năng cao/lương cao), Tier 2 (kỹ năng bậc trung/lương bậc trung), Tier 3 (kỹ năng thấp/lương thấp). Nguồn: BW Research[4].

Ở châu Á, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đi đầu trong xây dựng, vận hành, phát triển các khu khoa học/công nghệ. Tại Nhật Bản, các khu khoa học/công nghệ như Khu nghiên cứu phần mềm Fukuoka, Khu nghiên cứu khoa học Kitakyushu, Công viên khoa học Kobe, Khu công nghệ cao Mie, thành phố khoa học Tsukuba... đều được biết đến trên thế giới với những lĩnh vực nghiên cứu khoa học ứng dụng trong sản xuất, rô-bốt, trí tuệ nhân tạo... Khu nghiên cứu khoa học Kitakysuhu được hình thành trên nền tảng hợp tác ba bên: chính quyền thành phố Kitakyushu, nhóm doanh nghiệp, và giới học thuật là các Phó chủ tịch của KSRP, các Chủ tịch của các trường đại học khoa học và công nghệ tại Kitakyushu. Khu nghiên cứu khoa học Kitakyushu tập trung vào kết nối các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực đổi mới sản xuất, công nghệ ô-tô, công nghệ rô-bốt, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ[5].

Khu nghiên cứu khoa học Kitakyushu (Nhật Bản). Nguồn: https://www.ksrp.or.jp/e/

Tại Hàn Quốc, các khu công nghệ như Khu công nghệ Seoul, Khu công nghệ Incheon, Khu công nghệ Chungnam, Khu công nghệ Jeju... Hàn Quốc được biết đến là một trong những quốc gia kết nối công nghệ tiên tiến và số hóa nhất trên thế giới; đi đầu về điện tử, các thiết bị bán dẫn, điện thoại di động, thiết bị số[6]. Tại Hàn Quốc, việc phát triển các khu công nghệ là một trong những chiến lược quan trọng của chính phủ Hàn Quốc trong khuyến khích tăng trưởng kinh tế các vùng, qua đó khích thích tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tám khu công nghệ vùng ở Hàn Quốc được bố trí đặt tại tám thành phố khác nhau, và điều này đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế đồng đều giữa các địa phương. Thêm nữa, chính phủ Hàn Quốc triển khai nhiều giải pháp khuyến khích các công ty công nghệ cao đầu tư cho hoạt động kinh doanh trong các khu công nghệ để kéo sự phát triển của các ngành công nghiệp liên doanh quy mô vừa và nhỏ. Với khu công nghệ Incheon, các ngành kinh doanh chiến lược được tập trung vào các ngành công nghiệp hàng không, công nghiệp rô-bốt, công nghiệp sinh học, công nghiệp xanh, đào tạo nguồn nhân lực[7].

Trung tâm Songdo tại khu công nghệ Incheon (Hàn Quốc). Nguồn: https://www.trip.com/travel-guide/attraction/incheon/songdo-central-park-90331/

Ở khu vực Trung Đông, khu công nghệ Har Hotzvim tại Jerusalem (Israel) là một trong những trung tâm công nghệ thông tin đi đầu ở Israel, và được xem là một trong những trung tâm công nghệ quan trọng trên thế giới; các tập đoàn như Intel, Teva, Cisco...đặt công ty hoạt động tại đây. Bên cạnh đó, Har Hotzvim là nhà của các công ty công nghệ vừa và nhỏ và các startup. Được thành lập từ những năm 1970, đến nay, Har Hotzvim thu hút trên 9.500 lao động làm việc tại khu công nghệ này[8].

Khu công nghệ Har Hotzvim tại Jerusalem (Israel). Nguồn ảnh: https://en.wikipedia.org/wiki/Har_Hotzvim#/media/File:Har_Hotzvim_entrance.jpg

Tại châu Á, Ấn Độ cũng là một quốc gia mạnh về nghiên cứu, phát triển, gia công phần mềm. Các khu công nghệ phần mềm của Ấn Độ được thành lập vào năm 1991, với mục đích là thúc đẩy xuất khẩu phần mềm ra các thị trường nước ngoài, và cung cấp các dịch vụ cho các nhà xuất khẩu phần mềm. Hiện tại, khu công nghệ ở Thiruvananthapuram được đánh giá là khu công nghệ lớn nhất tại Ấn Độ, về cả diện dích và số công ty hoạt động trong khu công nghệ. Được chính quyền bang Kerala (Ấn Độ) thành lập vào ngày 18/11/1990, khu công nghệ tại Thiruvananthapuram đến nay vẫn dẫn đầu ở Ấn Độ về quy mô phát triển và được xem là một trong những tổ hợp công nghệ xanh nhất trên thế giới. Cũng tại bang Kerala, một tổ hợp khác cung cấp hạ tầng và không gian làm việc thông minh, các giải pháp công nghệ cho các công ty công nghệ, được đánh giá là một trong những điểm đến lý tưởng ở Ấn Độ dành cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin[9].

Khu công nghệ tại Thiruvananthapuram (bang Kerala, Ấn Độ). Nguồn ảnh: https://keralakaumudi.com/en/news/news.php?id=359976&u

Bắt nhịp xu hướng của khu vực và thế giới, Việt Nam từng bước nỗ lực trở thành một trung tâm gia công phần mềm lớn trong khu vực và thế giới. Ngày 28/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2003/NĐ-CP về Quy chế khu công nghệ cao. Trong đó, Điều 2, Điều 3, Chương 1 của Nghị định xác định khu công nghệ cao là khu kinh tế - kỹ thuật đa chức năng, có ranh giới xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; trong khu công nghệ cao có thể có khu chế xuất, kho ngoại quan, khu bảo thuế, khu nhà ở[10]. Quy chế nêu trên cũng quy định về những ưu đãi doanh nghiệp được hưởng trong khu công nghệ cao (ưu tiên về bố trí vốn, ngân sách đầu tư xây dựng, đối xử bình đẳng, tạo điều kiện phát triển, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư, tài sản, bằng sáng chế...Đảm bảo không tịch thu, trưng dụng bằng các biện pháp tài chính, quốc hữu hóa trong thời gian thực hiện dự án đầu tư). Luật Công nghệ cao được ban hành ngày 13/11/2008 quy định về hoạt động công nghệ cao, chính sách, biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động công nghệ cao[11]. Thêm nữa, Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg được ban hành ngày 16/3/2021 (có hiệu lực từ ngày 30/4/2021) quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao[12].

Hiện tại, Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội là khu công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với mục tiêu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế. Năm 2008, JICA đã hỗ trợ nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến ngày 25/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030; ngày 27/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030. Khu công nghệ cao Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia, là nơi đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, là vườn ươm cho startups về công nghệ cao. Trọng tâm phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc có công nghệ thông tin, điện tử, sinh học, chế tạo máy, vật liệu mới, năng lượng mới, cơ điện tử, danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển[13]. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xem là khu công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Được bố trí gần với sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trong diện tích trên 1.500 ha, khu công nghệ cao Hòa Lạc có 06 khu chức năng: i) Khu dành cho nghiên cứu – phát triển; ii) Khu chuyên về phần mềm; iii) Khu Công nghiệp công nghệ cao; iv) Khu dành cho giáo dục – đào tạo; v) Khu dành cho tổ chức sự kiện (hội nghị, hội thảo, diễn đàn, triển lãm...) và dịch vụ (nhà hàng, bệnh viện, khách sạn, siêu thị...).

Thực hiện định hướng phát triển của Chính phủ, là một trong những thành phố lớn trực thuộc Trung ương, với vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế thành phố, kinh tế vùng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia, ngày 27/12/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 3499/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện, không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư trên địa bàn thành phố. Hiện tại trên địa bàn thành phố Hải Phòng có các khu công nghiệp gồm VSIP Hải Phòng, khu công nghiệp DEEP C, khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Khu công nghiệp MP Đình Vũ, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp An Dương, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Khu công nghiệp Đồ Sơn; trong đó các khu công nghiệp Đồ Sơn, An Dương, Nam Cầu Kiền và Nomura – Hải Phòng nằm ngoài Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Sự đóng góp của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp nêu trên đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Nằm ở vị trí thuận tiện cho việc kết nối giữa các vùng kinh tế trong nước và với khu vực, quốc tế, nguồn nhân lực có kỹ năng và trẻ, hạ tầng phát triển, sự dịch chuyển của các làn đầu tư..., nếu xây dựng và phát triển khu công nghệ/khoa học tại thành phố sẽ mở ra rất nhiều cơ hội trong kêu gọi thu hút đầu tư, thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh phụ trợ phát triển, nâng cao nội lực (nguồn lực, tài lực...), đóng góp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh của thành phố/.

[1] https://kista.com/english/

[2] https://www.nordichardware.se/artikel/overclocking-at-intel.html

[3] http://www.unesco.org/new/en/natural-sciences/science-technology/university-industry-partnerships/science-parks-around-the-world/

[4] https://siliconvalleyindicators.org/data/economy/employment/employment-by-tier/total-employment-by-tier-silicon-valley/

[5] https://www.ksrp.or.jp/e/fais/index.html

[6] http://www.unesco.org/new/en/natural-sciences/science-technology/university-industry-partnerships/science-parks-around-the-world/science-parks-in-asia/#c99670

[7] https://www.itp.or.kr/intro.asp?tmid=15

[8] https://www.hotzvim.org.il/about-in-english/

[9] https://kerala.gov.in/it-parks

[10] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-99-2003-ND-CP-Quy-che-Khu-cong-nghe-cao-51305.aspx

[11] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-cong-nghe-cao-2008-21-2008-QH12-82201.aspx?tab=7

[12] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Luat-cong-nghe-cao-2008-21-2008-QH12-82201.aspx?tab=7

[13] https://kland.vn/IndustrialPark/khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-ha-noi.html

LÊ HẠNH