Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.

Không nằm ngoài xu thế đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách, cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, lối sống xanh và phát triển một nền kinh tế thân thiện với môi trường ở Việt Nam.

Tiềm năng những nguồn năng lượng mới

Theo Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022, Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào.

Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.

Các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600 đến trên 700 W/m2.

Qua các kết quả phân tích, có thể nhận thấy nhiều khu vực biển tại Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió và sóng cao, chưa được khai thác. Báo cáo cũng nêu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẽ là hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, thay thế nguồn năng lượng hiện có đang cạn kiệt.

Để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, Báo cáo đã đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới bao gồm: tổ chức điều tra, khảo sát, quan trắc bổ sung điều kiện tự nhiên các vùng biển; ứng dụng công nghệ mô hình số trị trong việc tái mô phỏng và đánh giá tiềm năng năng lượng gió chi tiết theo không gian; giám sát, dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; nghiên cứu, đánh giá, dự báo chi tiết tác động thiên tai, môi trường biển tới khả năng xây dựng và khai thác của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi; nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tác động của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động kinh tế-xã hội.

[VinFast chính thức tăng giá bán lẻ hai mẫu ôtô điện VF 8 và VF 9]

Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năng lượng sóng biển Việt Nam trên lý thuyết có thể trong top 10 nước có tiềm năng năng lượng sóng biển tốt nhất thế giới. “Nếu sử dụng được điện năng từ sóng biển, đặc biệt khi công nghệ sản xuất điện sóng ngày càng tiến bộ thì điện từ sóng biển sẽ có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc sử dụng năng lượng xanh, đa dạng hóa nguồn năng lượng góp phần trong an ninh năng lượng quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội,” Tiến sỹ Dư Văn Toán khẳng định.

Quá trình chuyển dịch diễn ra nhanh chóng

Để chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng ban hành các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện khí hóa hệ thống đô thị, phủ xanh thành phố, sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện quản lý rừng và cây trồng, giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm.

Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về điện gió và điện mặt trời. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), một tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ, hiện nay, với gần 21GW công suất điện Mặt Trời và điện gió đấu nối vào lưới điện quốc gia, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo. IEEFA cũng nhận định năng lượng tái tạo sẽ trở thành yếu tố quyết định tương lai nền kinh tế sản xuất của Việt Nam.

Để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường cho rằng năng lượng tái tạo cần phải trở thành hàng hóa công cộng, phục vụ tất cả mọi người dân và mọi người dân đều có thể tiếp cận được và hưởng lợi từ phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng.

Cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển.

Theo Cục trưởng Tăng Thế Cường, chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, do đó cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở từng quốc gia để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng “0” và giảm ô nhiễm không khí cần trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng. Đặc biệt, cần có sự cam kết và tham gia trách nhiệm của hệ thống tài chính, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính, tín dụng thông qua việc điều chỉnh danh mục cho vay đầu tư theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo; tăng cường đầu tư vào hệ thống truyền tải điện để tối đa hóa lợi ích của việc sản xuất năng lượng gió và Mặt Trời; đầu tư phát triển hạ tầng cần thiết nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch như phương tiện giao thông chạy điện như ôtô điện, xe máy điện.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo, việc triển khai đồng bộ các giải pháp khác như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên có sức chống chịu trước biến đổi khí hậu là cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng, lưu trữ carbon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên trong khi vẫn có thể bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, triển khai các giải pháp công nghệ lưu trữ, chôn lấp carbon để góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’.../.