Kinh tế xanh - Tương lai phát triển của nhân loại

Kinh tế xanh - Tương lai phát triển của nhân loại
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế xanh đang trở thành một xu thế trên thế giới có thể áp dụng cho tất cả các nền kinh tế nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn nguy cơ xảy ra các khủng hoảng trong tương lai.

Xu thế phát triển trên thế giới

Phát triển kinh tế xanh đang được toàn nhân loại coi là lựa chọn tất yếu cho một tương lai thân thiện với môi trường.

Theo PGS.,TS. Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), ý tưởng về kinh tế xanh được Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) khởi xướng năm 2008, khi mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng như: Khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học, khủng hoảng nhiên liệu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nước sạch, và nghiêm trọng nhất là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009.

Kinh tế xanh là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới. Đây là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên.

UNEP đưa ra khái niệm về kinh tế xanh: "Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái". Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh.

"Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.

Trong khái niệm về kinh tế xanh của UNEP, "kinh tế xanh" là khái niệm đối lập với "kinh tế nâu". Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.

Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường. Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách trong nước, chính sách quốc tế và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường", PGS.,TS. Lưu Đức Hải phân tích.

Theo PGS.,TS. Lưu Đức Hải, ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, khái niệm kinh tế xanh không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, làm nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững.

Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách kinh tế xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng.

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%.

Ở châu Âu, Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành "quốc gia xanh nhất" tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu tái tạo.

Tại Nam Phi, để thực hiện những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế trong Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Nam Phi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong việc giảm bớt tỷ lệ carbon trong hoạt động sản xuất, như giảm lượng phát thải 34% vào năm 2020 và 42% vào năm 2025.

Hàn Quốc là quốc gia châu Á tiên phong trong việc xây dựng kinh tế xanh khi tiến hành một loạt các hành động mang tính chiến lược, bao gồm các gói kích cầu "Hiệp định tăng trưởng xanh mới", "Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh". Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được Chính phủ nước này công bố thi hành vào tháng 1/2010.

Hàn Quốc xây dựng công nghệ xanh bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng carbon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng sinh khối, xây dựng mô hình "nhà ở, trường học và công sở xanh".

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP 26, đó là việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và giảm 30% phát thải khí methane trong giai đoạn 2030 - 2040. Chủ tịch VIASEE cho rằng, đây là những mục tiêu tham vọng, thể hiện cam kết của Việt Nam hướng tới các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời là cơ hội để thúc đẩy những mục tiêu toàn cầu của chúng ta.

"Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững cũng là một mục tiêu căn bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song hành với mục tiêu phát triển kinh tế.

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện tổng hòa các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển ngành dịch vụ môi trường, phát triển các nguồn năng lượng sạch, xây dựng ý thức con người...", PGS.,TS. Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Nhiều hoạt động thiết thực để phát triển kinh tế xanh

Tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GFFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, đại diện EuroCham cho hay, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đã đi nhanh và đạt được một số thành tựu "kinh tế xanh".

Một bộ phận doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đã tiến tới quá trình tăng trưởng xanh, thông qua hoạt động độc lập hoặc liên doanh với doanh nghiệp trong nước để triển khai các công trình giảm thiểu phát tán khí CO2 ra môi trường. Bên cạnh đó, EuroCham sẽ tổ chức “Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh - Green Economy Forum & Exhibition (GEFE) 2022” từ ngày 28 đến 30/11 tại Sala’s THISO SkyHall, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030".

tapchitaichinh.vn