Hải Phòng: Phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh

Dẫn đầu chỉ số thành phần thúc đẩy thực hành xanh

Trong báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giới thiệu và công bố chỉ số xanh cấp tỉnh PGI.

Doanh nghiệp cảng biển Hải Phòng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động

Với điểm trung bình 5,35, Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu chỉ số thành phần thúc đẩy thực hành xanh. Đây là kết quả ghi nhận nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương này thời gian qua.

Theo các chuyên gia nhận định, chính quyền TP Hải Phòng đã triển khai một số biện pháp nhằm giải quyết các thách thức phát triển. Theo đó, Hải Phòng là địa phương đầu tiên tại Việt Nam ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, cụ thể hoá tầm hình phát triển thành phố thành một “thành phố cảng xanh”, chuyển đổi sang các mô hình đô thị và kinh tế xanh.

Với mục tiêu này, Hải Phòng đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, như cam kết hỗ trợ 120 doanh nghiệp ngành đúc chuyển đổi từ sử dụng lò than sang sử dụng năng lượng sạch hơn, tái cơ cấu mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường. Ngoài ra, Hải Phòng cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp về kiểm toán năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Mỗi năm, địa phương này tiết kiệm được 50,3kWh điện, tương đương hơn 3 triệu USD (64 tỷ đồng) và giảm phát thải 42.000 tấn các bon nhờ chương trình hỗ tợ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng do thành phố phát động (OECD 2016).

31,2% doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết được chính quyền hướng dẫn về hạn chế ô nhiễm nguồn nước (Trong ảnh: Khu vực xử lý nước thải tại KCN DEEP C Hải Phòng)

Theo báo cáo PCI năm 2022, các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh của Hải Phòng được phản ánh trên kết quả chỉ số PGI 2022. TP Hải Phòng đứng đầu ở nhiều chỉ tiêu trong chỉ số thành phần thúc đẩy thực hành xanh với điểm số khá tách biệt, đặc biệt là ở chỉ tiêu “Chính quyền địa phương hướng dẫn doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và không khí”, cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung cả nước.

Theo đó, có đến 31,2% doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết được chính quyền hướng dẫn về hạn chế ô nhiễm nguồn nước; 27% doanh nghiệp tại Hải Phòng đã được hướng dẫn về giảm thiểu ô nhiễm không khí, cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ trung vị toàn quốc là 13,4%.

Hướng đến nền kinh tế xanh bền vững

Theo lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, địa phương đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hành động tích cực nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây nhất là thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hải Phòng đã xác định cùng với Hà Nội và Quảng Ninh trở thành đầu tàu, động lực trong phát triển của cả vùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới.

Thực tế, TP Hải Phòng hiện được biết đến là một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt liên tục nằm trong tốp đầu các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của cả nước, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tăng trưởng GRDP của Hải Phòng liên tục trong 7 năm qua luôn ở mức hai con số và gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Và tăng trưởng xanh đang là mục tiêu mà Hải Phòng tập trung thực hiện nhằm giữ vững, tạo đà tăng trưởng bền vững trong hiện tại và tương lai. Từ định hướng trên, trong thu hút đầu tư, Hải Phòng luôn ưu tiên những ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao; kiên quyết không chấp nhận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo TP Hải Phòng đến thăm, làm việc tại KCN DEEP C Hải Phòng

Theo ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển, Hải Phòng kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư được khuyến khích và kiên quyết không chấp nhận các lĩnh vực đầu tư ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên...

“Hải Phòng luôn khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, bền vững và hiệu quả. Hiện, các KCN của Hải Phòng đều được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo về môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Luôn khuyến kích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái; sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường”, ông Kiên cho biết thêm.

Còn theo ông Bruno Jaspaert – Giám đốc Điều hành KCN DEEP C Việt Nam cho biết, trong tương lai, DEEP C luôn mong muốn đóng góp lớn hơn cho sự phát triển bền vững của Hải Phòng, cam kết xây dựng KCN sinh thái được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Việt Nam. Trong giai đoạn tới, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong KCN, và các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế, phát triển điện mặt trời, điện gió…

Thực tế, tăng trưởng mạnh về kinh tế luôn đi kèm với hệ lụy, nguy cơ về môi trường. Không chỉ vậy, với vị trí địa lý, Hải Phòng là địa phương dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Do vậy, để đạt được yêu cầu về tăng trưởng xanh thì việc cân đối giữa tăng trưởng xanh và bền vững là vấn đề khó, đòi hỏi những định hướng, chiến lược dài hạn.

Mới đây, TP Hải Phòng đã thành lập ban chỉ đạo về tăng trưởng xanh. Theo đó, ban chỉ đạo này có chức năng giúp UBND TP Hải Phòng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Việc thành lập ban chỉ đạo này tiếp tục thể hiện nỗ lực của Hải Phòng để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh phát triển bền vững.

tapchidoanhnghiep.vn