DDCI Hải Phòng 2022, nhiều bứt phá

Tại cuộc họp thường niên tháng 3/2023, UBND TP Hải Phòng đã công bố kết quả điểm số và xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) năm 2022.
Kết quả DDCI 2022 của TP Hải Phòng được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ công tác khảo sát, điều tra khoảng 2.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Sau đó được Công ty Cổ phần tư vấn về Quản lý kinh tế thực hiện tính toán điểm số, tổng hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu và xây dựng Báo cáo kết quả.
Sở Du lịch và quận Dương Kinh giữ vị trí quán quân
Theo đó, kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng năm 2022, Sở Du lịch có bước nhảy “ngoạn mục” từ vị trí thứ 10 năm 2021 lên vị trí thứ nhất năm 2022 với tổng điểm 82,16. Xếp thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hải Phòng với điểm số 80,41/100; xếp thứ 3 là Sở Kế hoạch và Đầu tư với điểm số 79,70/100. Đứng cuối bảng xếp hạng là các Sở: Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường.
Kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng năm 2022
Đối với kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp địa phương, UBND quận Dương Kinh xếp vị trí thứ nhất sau khi tăng 10 bậc so với năm 2021, với điểm số 93,17/100. Tiếp theo là UBND quận Ngô Quyền với điểm số 89,07/100; xếp thứ 3 là UBND huyện Tiên Lãng với điểm số 85,94/100. Đứng cuối bảng xếp hạng là UBND các huyện: An Lão, Vĩnh Bảo và Kiến Thụy.
Kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp địa phương của thành phố Hải Phòng năm 2022
Từ bảng xếp hạng DDCI 2022 vừa được TP Hải Phòng công bố, có thể thấy đối với cấp sở, ngành sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đầu bảng và cuối bảng không quá lớn, điều này cho thấy sự cạnh tranh, bám đuổi sát sao giữa các Sở, ban, ngành. Trong khi đó, đối với cấp địa phương, khoảng cách giữa địa phương đứng đầu bảng xếp hạng và cuối bảng xếp hạng là gần 20 điểm. Điều này cho thấy sự chênh lệch khá lớn trong đánh giá của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh các địa phương.
Theo UBND TP Hải Phòng, DDCI là một góc nhìn hoàn toàn mới tại thành phố, kết quả đánh giá DDCI sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố, là đầu vào cho những đánh giá, cải thiện chính sách sau này.
Cần tăng cường giải pháp về cải cách hành chính
Từ bảng xếp hạng DDCI 2022, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát, phân tích, nghiên cứu sâu kết quả đánh giá từng chỉ số thành phần trong Bộ Chỉ số DDCI. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải thiện chất lượng quản trị, điều hành kinh tế của đơn vị mình, đóng góp vào việc nâng cao, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như chất lượng phục vụ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của thành phố trong năm 2023.
Trong thời gian tới các sở, ngành và các địa phương cần tăng cường các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (ảnh: Hải Ngân)
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, trong thời gian tới các sở, ngành và các địa phương cần tăng cường các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhất là thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nối thủ tục giấy phép kinh doanh có điều kiện” để hỗ trợ doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện. Tạo môi trường hành chính minh bạch, phục vụ nhân dân, làm động lực cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chủ tịch cũng nhấn mạnh, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị phải đề cao trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong tổng thể chung, năm 2022, TP Hải Phòng có chuyển biến rõ nét khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vượt lên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, vị trí cao nhất từ trước tới nay. Đóng góp vào kết quả này, nhiều sở ngành, địa phương có sự bứt phá, chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, DDCI là sự kéo dài và mở rộng PCI, về hình thức đó là việc thực hiện đo lường chất lượng lãnh đạo các Sở, quận, huyện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế ngành và lãnh thổ cấp quận, huyện. Còn về bản chất, coi cải cách nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của thành phố, không chỉ là công việc của lãnh đạo thành phố mà phải trở thành một phong trào rộng khắp, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tất cả các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, của toàn hệ thống chính trị ở địa phương. Có như vậy, mới duy trì được tính bền vững, hiệu lực, hiệu quả của những nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
LAN VŨ (diendandoanhnghiep.vn)