Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nữ tướng Lê Chân vốn là con gái Trang chủ An Biên, thuộc vùng Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay. Ngay từ khi còn ở độ tuổi trăng tròn, Lê Chân đã là thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Vào khoảng năm 40, Thái thú Tô Định khét tiếng tham tàn đột ngột mang kiệu hoa tới bắt ép Lê Chân về làm tỳ thiếp. Vì không đạt được mục đích, Tô Định đã giết cả cha mẹ Lê Chân.  

Vốn đã căm hận giặc Hán từ trước, nay mang nợ nước thù nhà, bà bèn tìm thầy học binh thư, võ nghệ. Đồng thời, để bảo toàn cho dân làng, bà đã thay cha làm nữ chủ, cùng già trẻ dời quê hương đi tìm miền đất mới mưu sinh, thấy một vùng bãi bồi bèn dừng lại chiêu dân lập ấp, mở mang điền trạch, đặt theo tên tục quê cũ là làng Vẻn, trang An Biên.

Được tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà cùng dân An Biên về vùng Mê Linh tụ nghĩa. Dưới cờ Trưng Vương, Nữ tướng Lê Chân đã có nhiều công lớn trong cuộc chiến giành lại giang sơn. Chính vì vậy, Trưng Vương đã phong cho bà là Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền; được giao trọng trách trấn thủ miền Đông Hải.  

Năm 42, Mã Viện tướng Đông Hán đem quân sang đàn áp, bà cùng các tướng sĩ dũng cảm đánh giặc cứu nước. Quân ta chống không nổi với quân giặc vốn thạo nghiệp chinh chiến nên cuối năm 43, Nữ tướng Lê Chân phải lui về căn cứ Kim Khê ở chân dãy núi Ba Vì. Khi Hai Bà Trưng thất thủ, bà tiếp tục đem quân về vùng núi Lạt Sơn (nay thuộc Kim Bảng – Hà Nam). Quân Mã Viện tiến đánh, bà rút lên núi Giát Dâu rồi gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết.

Để ghi nhớ công lao to lớn của bà, từ nhiều năm qua, thành phố Hải Phòng tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử liên quan đến cuộc đời, thân thế sự nghiệp Nữ tướng như: Đền Nghè, Đình An Biên, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân,...đồng thời, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được khôi phục lại từ năm 2011 và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là một trong những lễ hội lớn của Hải Phòng, được tổ chức trang trọng với những nghi lễ truyền thống tạo nên nét đẹp trong lễ hội văn hóa tâm linh của Nhân dân trên địa bàn Quận Lê Chân nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, từ năm 2020 đến năm 2022 không thể tổ chức Lễ hội. Năm 2023, dịch bệnh đã được kiểm soát, được sự cho phép của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Quận Lê Chân tổ chức Lễ hội trong 03 ngày: 25, 26, 27 tháng 2 năm 2023 (tức ngày mùng 6, 7, 8 tháng 02 năm Quý Mão) tại các điểm Đền Nghè, Đình An Biên, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều hoạt động như: lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, tế nữ quan… Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian diễn ra đồng thời tại 03 địa điểm Đền Nghè, Đình An Biên, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, song tập trung nhiều ở quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Tại khu vực sân hai bên Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, hoạt động chợ quê tái hiện không gian chợ làng Vẻn xưa với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: giới thiệu bày bán các sản vật, các món ăn mang đậm đặc trưng của vùng quê miền biển, các hoạt động hát xẩm, viết thư pháp, nặn tò he…Tại khu vực phía sau Tượng đài, diễn ra nhiều hoạt động vui chơi như: cờ người, các trò chơi dân gian (bịt mắt bắt vịt, ô ăn quan, đánh chuyền,…) và võ dân tộc. Tại khu vực Đền Nghè, Đình An Biên chương trình văn nghệ dân gian như: hát chèo, hát văn… cùng với đó là lễ dâng hoa Thủy tiên thu hút đông đảo người dân và du khách.

Việc tổ chức Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, nhắc nhở  thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa vùng đất, con người An Biên xưa cho đến thành phố Hải Phòng ngày nay. Lễ hội Nữ tướng Lê Chân không chỉ đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền dân tộc, sinh hoạt lễ hội truyền thống, du xuân của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần ôn lại truyền thống, giáo dục con cháu lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương, đất nước. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước về các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, về Đền Nghè linh thiêng thờ Nữ tướng Lê Chân trên phố Mê Linh đã được xếp hạng là di tích quốc gia và ngôi đình cổ An Biên.

Một số hình ảnh các mùa Lễ hội

 

Biểu diễn nghệ thuật mùa Lễ hội năm 2017

Đánh trống khai hội năm 2018

Lễ khai mạc Lễ hội năm 2019

Công tác tổng duyệt Chương trình Lễ hội năm 2023

Lễ dâng hương của đại diện lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Quận Lê Chân năm 2023

Lễ dâng hoa Thủy tiên năm 2023

Tái hiện Làng Vẻn xưa Lễ hội năm 2023

NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI