Khu tưởng niệm Vương triều Mạc là quần thể di tích lịch sử - khảo cổ bên cạnh các công trình kiến trúc được xây mới, nằm trên địa bàn xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.Nổi bật hơn cả, nơi đây được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.
Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là người có trí dũng hơn người, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ.Trong giai đoạn triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng thành nhà Mạc tại vùng đất Hải Phòng ngày nay, và kết thúc khi vua Mạc Mậu Hợp (đời vua thứ 5) bị quân Lê - Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592. Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc vẫn còn cát cứ tại khu vực Cao Bằng để chống lại nhà Hậu Lê đến tận năm 1677 mới mất hẳn. Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm và trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592).Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh. Về kinh tế, nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độc đáo, tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ), cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội.
Để ghi nhớ công ơn của họ Mạc cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử vương triều Mạc một thời, năm 2009, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được khởi công xây dựng tại làng Cổ Trai. Theo đó, đánh giá đúng vị thế của Vương triều Mạc và Dương Kinh, Bộ Văn hóa và Thể thao quyết định xếp hạng di tích, công nhận “Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng là Di tích Lịch sử, Văn hóa Quốc gia” vào năm 2004.
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc mang phong cách nghệ thuật khá tiêu biểu và độc đáo cho một triều đại phong kiến Việt Nam. Điểm chung dễ nhận thấy trong kiến trúc khu di tích là kiến trúc gỗ, gồm nhà chính Điện, nhà tả Vu, Hữu Vu, cổng lớn, hình tượng Nghê, Lân, Rồng được trang trí khá tinh xảo, sử dụng chất liệu đá nguyên khối. Mặc dù hầu hết các tượng không còn nhiều kiến trúc gỗ như xưa nhưng cái cốt lõi bên trong không hề thay đổi. Tượng thờ làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng, đơn giản với những nét mềm mại nhưng rất khỏe khoắn tạo nên sự trang nghiêm. Nghệ thuật bia đá cũng vô cùng độc đáo như tấm bia ở chùa Trà Phương.Tượng rồng lớn của tòa Chính Điện được làm bằng đá xanh nguyên khối, thân cong đều. Tượng rồng mang dáng dấp mềm mại của rồng thời Lý.
Khu chính điện của Từ đường gồm tiền điện (7 gian), thiêu hương (ống muống), hậu cung (5 gian). Tiếp đến là cầu qua hồ bán nguyệt vào Ngũ tiền môn được xem là "cánh cửa" của vương triều Mạc. Ngũ tiền môn gồm có nghi môn ngoại và nghi môn nội với cấu trúc 4 trụ, 3 gian, 2 tầng, 4 mái tạo nên một không gian linh thiêng, trang trọng. Hai tòa nhà giải vũ thuộc khu tưởng niệm nằm song song đối diện với nhau, đây là nơi du khách thập phương dừng chân nghỉ ngơi, sắp lễ trước lúc vào dâng hương ở chính điện. Theo quan niệm phương Đông, nhà giải vũ còn là nơi che mưa, che nắng cho con người, ý nói đến sự che chở của dòng tộc họ Mạc đối với các thế hệ con cháu và du khách.
Trang trí trên các áo tượng, trên các bệ tượng vô số các biến thể Rồng, Nghê, Sấu, Rùa và các đề tài khác như hình mặt trời, bầu rượu, mặt nguyệt… Các hình tượng đó được trang trí trên gạch đá, thành bậc nhưng nhiều nhất là trên bia và tượng thờ.
Trong chính điện có rất nhiều đồ thờ, cổ vật. Từ chiếc bình với hình ảnh chùa một cột, con chim hạc quen thuộc trong ca dao đến chiếc đại hồng chung nặng 1.527kg, chiếc chiêng đồng với hình ảnh 2 con rồng khắc nổi. Tất cả đều được đặt trang trọng trong chính điện. Đặc biệt là thanh Đinh Nam Đao, là thanh đao từng cùng vua Mạc Đăng Dung xông pha chiến trận và "bách chiến bách thắng". Đến nay tuổi đời của bảo vật này là 500 năm tuổi.Ngày 15/01/2020, thanh Định Nam Đao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhân là bảo vật Quốc gia và được đưa về khu di tích Vương triều Mạc.
Thanh Định Nam Đao