Nha trung bay Hoang Sa - Khang dinh dau moc chu quyen dan toc hinh anh 1

Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi lưu giữ những sự thật không thể tranh cãi về Hoàng Sa của Việt Nam. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Từ bao đời nay, Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần lãnh thổ máu thịt và thiêng liêng của người Việt. Và như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Điều đó đã được minh xác qua rất nhiều nguồn tư liệu hiện có ở trong và ngoài nước.

Nhà trưng bày Hoàng Sa, nằm trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), chính là một ví dụ sinh động trong việc lưu giữ, trưng bày và giới thiệu những bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đạt được những thành tựu bước đầu, xứng đáng là nơi tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; qua đó, cổ vũ tinh thần, ý chí bảo vệ chủ quyền trong nhân dân.

Được xây dựng trên tổng diện tích 1.296m2, với hơn 300 tư liệu và hiện vật, Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế Văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt.

Đây là nơi trưng bày, giới thiệu thông tin, tư liệu, bản đồ minh chứng quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời kỳ chúa Nguyễn cho đến nay.

Mặt tiền tòa nhà hướng thẳng ra Biển Đông với khối tầng nổi được trang trí lớp hoa văn có khả năng hiển thị hình ảnh cờ đỏ sao vàng dưới tác động phản xạ của ánh sáng mặt trời, mang hàm ý cả đất nước luôn hướng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Nha trung bay Hoang Sa - Khang dinh dau moc chu quyen dan toc hinh anh 2

Tủ trưng bày bản sao các Châu bản triều Nguyễn (văn bản hành chính do chính các vua triều Nguyễn phê duyệt) về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Nhà trưng bày Hoàng Sa có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng. Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời chứng tỏ Việt Nam đã có một quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn mà việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này.

Bên trong không gian này, các tư liệu, hiện vật được trưng bày theo 5 chủ đề vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Nguyễn (1802-1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945-1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

Mỗi bức ảnh, mỗi trang tư liệu, mỗi tấm bản đồ, mỗi hiện vật... được trưng bày ở Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ có giá trị quý báu về mặt lịch sử, pháp lý, là bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn là những báu vật thiêng liêng có sức mạnh khơi dậy niềm tự hào, ý chí và sức mạnh của hơn 100 triệu đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước đối với việc gìn giữ và bảo vệ biển đảo máu thịt của quê hương.

Ví dụ như hiện vật Mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (bộ chính sử của triều Nguyễn) tờ số 24, quyển 10 trưng bày tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa có nội dung ghi rõ: “Năm 1754, mùa Thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư cảm ơn. Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là 'Vạn lý Trường Sa.' Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba,... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản.”

Hay bản dập từ Mộc bản tờ số 6, quyển 50, sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” (bộ chính sử của triều Nguyễn) cũng có nội dung ghi rõ: “Tháng Hai năm Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815), vua sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển.”

Hoặc ở hình ảnh bản đồ vẽ hình thế phủ Quảng Ngãi trong tập “Thiên hạ bản đồ,” biên soạn vào thời Lê (thế kỷ 18), được trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Trong phần chú dẫn phía trên bản đồ này có miêu tả địa danh “Bãi Cát Vàng” (bằng chữ Nôm) ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi.

Nội dung ghi rõ như sau: “Bãi Cát Vàng dài chừng 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển. Từ cửa Đại Chiêm đến cửa Quyết Mông mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền đi phía trong trôi dạt ở đây, khi có gió Đông Bắc thuyền đi cũng bị trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, của cải để lại ở đó. Hàng năm vào tháng cuối đông có 18 chiếc thuyền đến đó thu đồ lấy vàng bạc. Đi từ cửa Đại Chiêm đến đây mất một ngày rưỡi, từ cửa Canh Sa đến đây cũng mất một ngày rưỡi.”

Những tư liệu trưng bày đã giới thiệu và tuyên truyền cho đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những thông tin giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 12/2019, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức trở thành điểm tham quan du lịch của thành phố Đà Nẵng, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, nghiên cứu./.

(Vietnam+)