Bảo vệ hệ sinh thái biển: Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

Kiểm lâm viên trạm Việt Hải tuần tra bảo vệ môi trường trên vịnh Lan Hạ.

Ngày môi trường thế giới năm 2021 có chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Điều này thực sự cần thiết đối với Hải Phòng. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của không ít hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái biển.

Nhiều hệ sinh thái bị suy giảm

Tiến sĩ Trần Đình Lân, Viện Trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường biển cho biết: Vùng biển Hải Phòng có vị trí địa lý đặc biệt, với sự đa dạng các hệ sinh thái, từ rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô... Nhưng hầu hết hệ sinh thái biển đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Khu vực đảo Cát Bà cần được bảo tồn gìn giữ môi trường biển để phát triển kinh tế bền vững.

Rạn san hô được ví là “ngôi nhà”, nơi đẻ trứng và nuôi ấu trùng của rất nhiều loài sinh vật biển. Các rạn san hô tại Hải Phòng phân bố chủ yếu ở phía tây nam của đảo Cát Bà, đảo Long Châu; có độ phủ đạt 25 đến 75% diện tích khu vực biển. Các số liệu điều tra nghiên cứu gần đây cho thấy độ phủ của san hô sống trong khu vực giảm đi nhanh chóng. Độ phủ của một số rạn tại Cát Bà chỉ còn 10 – 40%, giảm 20% so với trước. Tại khu vực đảo Long Châu độ phủ trung bình của san hô sống chỉ còn 25,6 %, giảm tới 50% độ bao phủ so với trước đây. Hệ sinh thái đất ngập nước tập trung nhiều hệ sinh thái khác như: rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng triều, các tùng áng... đóng góp phần quan trọng cho sự đa dạng sinh học của thành phố. Nhưng trong vòng 50 năm (1964-2014), có 1,5 nghìn ha đất ngập nước ven biển chuyển đổi mục đích xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, nhiều nhà máy, nuôi trồng thủy sản. Cỏ biển là một trong những hệ sinh thái tiêu biểu trong vùng triều ngập nước, có sự đa dạng sinh học cao. Thảm cỏ biển có khả năng điều hòa các điều kiện tự nhiên của môi trường sống; duy trì và bảo vệ chống xói mòn vùng ven biển. Thảm cỏ biển là bãi đẻ, nơi kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển như: bò biển, vích. Trước đây, toàn thành phố có khoảng 780 ha thảm cỏ biển, tập trung ở khu vực Gia Luận-Cát Bà, Đình Vũ, Tràng Cát, Cát Hải. Nhưng hiện nay, hệ sinh thái cỏ biển còn phân bố với diện tích nhỏ, kiểu da báo, diện tích còn lại khoảng 0,5-1 ha/khu vực. Bãi cỏ Gia Luận nay thành bến tàu khách Cát Bà-Hạ Long. Toàn bộ thảm cỏ biển tại khu vực Đình Vũ bị phá hủy hoàn toàn. Không chỉ hệ sinh thái cỏ biển, hàng nghìn ha rừng ngập mặn cũng phá bỏ để nhường chỗ cho các đầm nuôi trồng thủy sản.

Đảo Long Châu là khu vực cần khai thác du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái biển.

Cùng với sự thu hẹp diện tích, quy mô của nhiều hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị sụt giảm nghiêm trọng. Ths. Nguyễn Văn Hiếu, Viện Nghiên cứu hải sản cho biết: “trong khoảng 10 gần đây, cùng với sự thu hẹp của hệ sinh thái cỏ biển, rạn san hô, làm suy giảm nhanh chóng nhiều loài hải sản quý ở vùng biển Hải Phòng như cá mòi cờ, cá ngựa, cá bống bớp, cá giống sao, nhám voi, bào ngư, tu hài, vích, đổi mồi, rùa da,...Tại Cát Bà, nhiều loài đặc sản quý hiếm gần như tuyệt chủng, ít gặp trong tự nhiên như: vẹm xanh, bào ngư, ốc đụn.

Đảo Long Châu là khu vực cần khai thác du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái biển.

Cần giải pháp hiệu quả

Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, đa dạng sinh học có ý nghĩa lớn không chỉ với việc phát triển kinh tế mà còn có vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường. Do vậy, đa dạng sinh học suy giảm ảnh hưởng trực tiếp sự phát triển kinh tế, môi trường sống, đời sống của người dân; đặc biệt là những ngư dân kiếm sống nhờ nguồn lợi thủy, hải sản. Cùng với đó, đã và đang xuất hiện vấn đề môi trường nổi cộm, như sa bồi luồng bến, xói lở bờ bãi, ô nhiễm môi trường đất và nước.

Đảo Cát Bà phát triển du lịch với thương hiệu Cát Bà Xanh nhằm bảo vệ môi trường biển và rừng quốc gia.

Trước thực trạng này, từ năm 2011, UBND thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2020 tầm nhìn 2030, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thực hiện kế hoạch, có 20 tiểu hệ sinh thái (thuộc 3 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa và hệ sinh thái thủy vực biển, đảo ven bờ được tập trung nghiên cứu với số lượng 6.177 loài sinh vật. Mục tiêu dài hạn của kế hoạch hành động là bảo tồn tính đa dạng sinh học, bao gồm các hệ sinh thái, loài, nguồn gen và các chức năng của chúng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, những nỗ lực trên là chưa đủ. Theo TS Trần Đình Lân, cần phục hồi, thiết lập các khu bảo vệ tự nhiên, trong đó có các khu rừng ngập mặn, rạn san hô và vùng triều cửa sông. Bên cạnh đó, cần tiến hành điều tra, đánh giá và xây dựng chiến lược, kế hoạch sử dụng và bảo vệ hệ sinh thái. Thành phố xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động bảo vệ, nâng cao ý thức cộng đồng.

Đảo Bạch Long Vỹ cần được bảo vệ hệ sinh thái biển gắn với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đến lúc mỗi người dân cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên. Bởi đây được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 - 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu vì sự phát triển bền vững - một mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu./.

Báo Hải Phòng điện tử - baohaiphong.com.vn