65 năm Hải quân Việt Nam: Trọn lời thề giữ biển.

“Lời thề giữ biển” luôn được những người lính Hải quân hôm nay giữ trọn, khắc ghi, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ngày 7/5/1955 đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam với lực lượng tiền thân là Cục Phòng thủ bờ biển. Từ chỗ chỉ có 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, phương tiện vũ khí hết sức thô sơ, lạc hậu, trải qua 65 năm xây dựng đã trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại với đầy đủ các thành phần lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh- tên lửa bờ, hải quân đánh bộ- đặc công nước.

65 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Hải quân đã nối tiếp nhau xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng; Mưu trí sáng tạo; Làm chủ vùng biển; Quyết chiến, quyết thắng”.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, những năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân vượt mọi khó khăn, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, sắt son "Lời thề giữ biển".
Về thăm Lữ đoàn tên lửa bờ 679, Vùng 1 Hải quân những ngày đầu tháng 5. Dưới cái nắng đầu hè oi ả nhưng trên thao trường, lẫn trong tiếng động cơ và mùi xăng dầu của các loại xe chuyên dụng, những cán bộ chiến sỹ ngành hỏa lực miệt mài với các tình huống huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Là 1 trong 5 binh chủng nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam, Lữ đoàn 679 là đơn vị tên lửa bờ được thành lập sớm nhất, với mệnh danh là “quả đấm thép” có nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Lữ đoàn được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa, khí tài hiện đại. Trong cuộc diễn tập bắn tên lửa TL-17 năm 2017, Lữ đoàn 679 đã bắn tên lửa trúng trực tiếp mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Đại tá Hoàng Vũ Sơn, Chính ủy Lữ đoàn 679 chia sẻ: Để có được kết quả đó, kinh nghiệm được Lữ đoàn 679 thực hiện, đó là huấn luyện các kíp chiến đấu xử trí thuần thục, linh hoạt theo từng tình huống cụ thể, tập trung đổi mới nội dung, các phương pháp huấn luyện. Trong đó coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu, làm chủ vũ khí trang thiết bị và thực hiện các quy tắc an toàn.
"Dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng khi có lệnh" là phương châm hành động, chiến đấu của tập thể cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) và Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) hiện nay. Đơn vị tiền thân của Lữ đoàn là Phân đội 3, Hải đội 135 - lực lượng tham gia trực tiếp đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam vào các ngày 2 và 5/8/1964.
Trong nhiều năm qua, Lữ đoàn 170 và 172 là đơn vị chiến đấu chủ công của Vùng 1 và Vùng 3 Hải quân, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo được phân công với nhiều khu vực đảo và quần đảo tiền tiêu, giữ vị trí chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh. Chính vì vậy mỗi cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 170 và Lữ đoàn 172 không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, xây dựng nền nếp chính quy, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tá Đỗ Ngọc Hiếu, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 172 khẳng định: Kế thừa và phát huy tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng, những năm qua cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 172 luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, trong đó xác định công tác huấn luyện chiến đấu là nội dung trọng tâm, là yếu tố cơ bản để nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn.
Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quân chủng đã tổ chức tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại như tàu ngầm, tàu mặt nước, không quân Hải quân, tên lửa bờ, ra đa bờ và nhiều loại trang bị, vũ khí, khí tài hiện đại. Việc tiếp nhận, làm chủ và đưa vào khai thác sử dụng các loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân.
Được mệnh danh là “Lữ đoàn thép”, nếu so với sự phát triển của Quân chủng Hải quân thì Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân mới có truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển nhưng lại được Quân chủng Hải quân giao quản lý, khai thác một lượng lớn tàu thuyền, vũ khí trang bị mới, hiện đại. Để tiếp nhận, điều khiển và làm chủ, mỗi cán bộ - chiến sĩ Lữ đoàn 162 đã phải nỗ lực, tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi qua tài liệu và kinh nghiệm thực tiễn.
Không kể mưa hay nắng, ngày lễ, Tết, những buổi huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của đội tàu diễn ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó trong quá trình huấn luyện thực hiện nhiệm vụ, các tàu của Lữ đoàn 162 còn phối hợp, hiệp đồng với các tàu khác trong lực lượng để triển khai các phương án tác chiến, điều này đã giúp cán bộ chiến sĩ nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.
Trung tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng tàu 016 mang tên Quang Trung cho biết: vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ chiến sĩ khi được công tác ở “Lữ đoàn thép”, tự hào hơn khi được làm chủ tàu hộ vệ tên lửa mang tên Quang Trung (016) cùng với tàu Trần Hưng Đạo (015) là cặp tàu lớp Gepard 3.9 hiện đại bậc nhất khu vực hiện nay. Tàu có nhiệm vụ săn tìm, theo dõi và tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, rải lôi, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ. Kể từ khi tiếp nhận (tháng 2/2018) đến nay, các cán bộ chiến sĩ của hai con tàu đã hoàn toàn làm chủ các trang thiết bị, vũ khí tối tân trên tàu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lệnh.
Với những người lính thực hiện nhiệm vụ trong lòng đại dương, Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân, để làm chủ được tàu ngầm kilo 636 hiện đại, các cán bộ thủy thủ phải trải qua cả một quá trình học tập, rèn luyện không mệt mỏi.
Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Lữ trưởng Lữ đoàn 189 cho biết: được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý những con tàu kilo 636 hiện đại, ngay từ những ngày đầu, bản thân mỗi cán bộ, thủy thủ luôn phải thực sự nỗ lực phấn đấu để không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, của Quân đội và nhân dân. Từ việc xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề đó, Chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai công tác huấn luyện cho các kíp tàu một cách bài bản, kỹ lưỡng. Đội ngũ thủy thủ tích cực, chủ động thời gian tự học tập, nghiên cứu và tranh thủ sự hướng dẫn của chuyên gia quân sự nước bạn.
Cho đến nay, sau các chuyến huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ trên biển, 100% cán bộ thủy thủ các kíp tàu đã hoàn toàn làm chủ con tàu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những người lính tàu ngầm sẵn sàng tham gia các phương án tác chiến cao nhất; kịp thời đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra cho những cán bộ chiến sĩ Hải quân thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió yêu cầu ngày càng cao. Mỗi cán bộ chiến sĩ trên các đảo, đài, trạm, nhà giàn luôn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện để vừa giỏi tác chiến, vừa có bản lĩnh vững vàng; lấy chiến trường làm thao trường, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện tốt phương châm của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, đặc thù nơi biển đảo xa xôi, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, song những năm qua, cùng với sự phát triển của lực lượng, Vùng 5 Hải quân không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Các đơn vị trong toàn vùng vừa xây dựng lực lượng, củng cố kiện toàn tổ chức, vừa huấn luyên sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo Tây Nam Tổ quốc. Với đặc thù trên vùng biển Tây Nam còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, vùng chồng lấn Việt Nam - Thái Lan - Malaysia nên rất khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, bên cạnh việc phối hợp trao đổi thông tin với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, chính quyền địa phương các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, việc trao đổi thông tin với Hải quân các nước Campuchia, Thái Lan được vùng 5 thực hiện có hiệu quả, từ đó nắm chắc tình hình, xử lý các tình huống kịp thời, chính xác.
Những năm qua, không ít máu xương của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã đổ xuống để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang giữa biển trời thăm thẳm, như sự khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Mặc dù điều kiện công tác còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng vượt qua mọi gian nan, thử thách, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay tiếp tục kế thừa truyền thống anh hùng, xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, đưa Quân chủng Hải quân trở thành quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” với đầy đủ các thành phần lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống của Quân chủng anh hùng, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, “Lời thề giữ biển” luôn được những người lính Hải quân hôm nay giữ trọn, khắc ghi, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
VOV1