Theo Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam TS. Guido Hildner, chuyến thăm của khinh hạm Bayern thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa ngày càng gia tăng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với các mối quan hệ quốc tế... "Qua hành trình của khinh hạm, nước Đức muốn tăng cường sự hợp tác với các đối tác quan trọng cũng như khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt là giá trị pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, một văn kiện pháp lý quan trọng về biển và đại dương", Đại sứ Guido Hildner khẳng định.

Chuyến thăm lần này là chặng dừng tiếp theo trong hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài 7 tháng của khinh hạm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với 232 thủy thủ trên tàu, khinh hạm đã khởi hành từ cảng Wilhelm hướng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hành trình cho tới nay trải dài từ Sừng châu Phi, Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cho tới TP. Hồ Chí Minh. Các chặng dừng tiếp theo trên hành trình trở về Đức dự kiến sẽ là Sri Lanka và Ấn Độ.

Thông cáo của Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội nhấn mạnh, chuyến hải trình của khinh hạm tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhấn mạnh hợp phần chính sách an ninh trong Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Chính phủ Liên bang thông qua trong tháng 9/2020 nhằm tăng cường vai trò của Đức với tư cách là một bên tham gia kiến thiết và một đối tác tại khu vực này...

Các tuyến đường biển rộng mở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế đối với Đức và châu Âu. Sứ mệnh của khinh hạm Bayern là một đóng góp cụ thể vào việc bảo vệ và giữ vững trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh này, khinh hạm cũng đã đi qua khu vực Biển Đông.

Nước Đức thường xuyên nhấn mạnh ý nghĩa của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), một khung pháp lý bao trùm và có hiệu lực quốc tế đối với tất cả các hoạt động tại các biển và đại dương, đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển quốc tế cũng như quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được quy định trong Công ước.

Theo Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm trọng lực về chính trị và kinh tế. Trong những năm tới, khu vực này sẽ có ảnh hưởng quyết định tới việc định hình trật tự quốc tế. Chính vì vậy, Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở các thách thức liên quan đến chính sách an ninh mà còn đặt ra các trọng tâm khác như đa dạng hóa các đối tác kinh tế cũng như tăng cường luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu và hợp tác an ninh trong khu vực.

Mạnh Hùng