Hội nghị thông tin đối ngoại về biển đảo và thời sự quốc tế

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2022, với nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và hợp tác Bắc Úc, ngày 16/4/2002, Sở Ngoại vụ phối hợp với Hội Liên lạc Việt kiều thành phố, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố tổ chức Hội nghị thông tin đối ngoại: Thời sự quốc tế nổi bật trong thời gian qua cho các đối tượng là hội viên Hội Liên lạc Việt kiều, kiều bào Hải Phòng ở nước ngoài và thân nhân, hội viên Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật và các đơn vị trực thuộc nhằm cung cấp các thông tin đầy đủ, toàn diện, đa chiều về tình hình quốc tế và vấn đề chủ quyền trên biển Đông.

Đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố tham dự Hội nghị

Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch Hội Liên lạc Việt kiều thành phố tham dự Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Năm 2022, khi những thách thức toàn cầu gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, các hoạt động quốc tế được tái khởi động và dần đưa về trạng thái bình thường mới, cộng đồng các quốc gia trên toàn thế giới tiếp tục phải đương đầu với nhiều vấn đề an ninh mới, nổi cộm trong số đó là xung đột Nga - Ukraina, đe dọa hòa bình thế giới với sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của các cường quốc. Là một quốc gia có kiều bào sinh sống tại Ukraina, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại đây. Riêng với Hải Phòng, thông qua khảo sát và cập nhật thực tế từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố, có tổng số 56 người Hải Phòng sinh sống tại Ukraina, đa phần đã di cư sang các nước Ba Lan, Đức, Nga hoặc trở về Việt Nam sau khi chiến tranh nổ ra, một số ít hiện vẫn đang ở lại Ukraina và cần tới sự hỗ trợ của nhà nước để bảo đảm an toàn và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, các nhân tố gây mất ổn định trên biển Đông vẫn đang diễn ra gay gắt như: Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; Bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 5 nước, 6 bên; Phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của LHQ về Luật biển 1982; Xác định ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa …

Diễn giả Bùi Thế Giang, Nguyên Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

Sở Ngoại vụ đã mời ông Bùi Thế Giang, Nguyên Đại sứ, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tới trao đổi các thông tin liên quan tại hội nghị. Với kinh nghiệm đối ngoại nhiều năm ở các vị trí quan trọng, khả năng tiếng Anh xuất sắc của phiên dịch kỳ cựu của Ban Đối ngoại Trung ương đồng thời luôn theo sát tình hình thế giới, ông Bùi Thế Giang đã cung cấp cho Hội nghị các thông tin được tổng hợp, phân tích, đánh giá trung thực, khách quan, nhiều chiều bởi các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và quan điểm của nguyên thủ các nước về các nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

Là quốc gia có biển, vai trò của biển đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển…”. Do vậy, Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp cho các hội viên Hội Liên lạc Việt kiều, Việt kiều và thân nhân, hội viên Hội khoa học và kỹ thuật thành phố các thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình thế giới và chủ quyền biển đảo Việt Nam nhằm nâng cao ý thức, thống nhất quan điểm và chung tay hành động, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh và ứng phó hiệu quả với những biến động về địa-chính trị trên toàn thế giới./.

NGUYỄN HƯƠNG