Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc: Quá trình đàm phán và ký kết các văn kiện pháp lý (Kỳ 1)

NGUYỄN HỒNG THAO

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được hình thành qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm và tồn tại một cách tương đối ổn định kể từ khi Việt Nam giành được độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc.

Lễ cắm cột mốc 1116, một trong những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2008. (Ảnh tư liệu)

Lễ cắm cột mốc biên giới 1116, một trong những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2008. (Ảnh tư liệu)

Tạp chí Geographer số 38 của Vụ Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/10/1964 viết: "Sau hơn 10 thế kỷ bị đô hộ, năm 939 Bắc Kỳ phá vỡ ách đô hộ của Trung Quốc và thành lập Vương quốc Đại Cồ Việt ... nhà nước mới này đã bảo vệ được nền độc lập của mình ... một đường biên giới gần giống như­ ngày nay dường như đã tồn tại giữa hai quốc gia cách đây 10 thế kỷ".

Tuy nhiên, biên giới Việt - Trung mang tính khái niệm biên giới vùng, chưa phải là đường biên giới được phân giới cắm mốc (PGCM), và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính xác.

Các văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên

Công ước 26/6/1887 và Công ước bổ sung 20/6/1895 giữa chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và triều đình Mãn Thanh Trung Quốc là các văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cơ sở của hai Công ước này được dựa trên đường biên giới lịch sử vốn có đã tồn tại từ lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trước khi Pháp xâm lược Việt Nam, thể hiện thành quả lịch sử của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam.

Đường biên giới đó đã được cụ thể hoá trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới đơn giản (341 mốc) từ Móng Cái đến biên giới Lào - Trung Quốc.

Tuy nhiên, các Công ước này cũng tồn tại nhiều hạn chế như lời văn Công ước mô tả đơn giản, không rõ ràng, nhiều chỗ không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót, nhiều khu vực chưa được PGCM hoặc cắm mốc quá thưa.

Ngoài ra, qua hơn trăm năm, hệ thống mốc cũng bị hư hại, xê dịch, phá hủy do chiến tranh và thời gian. Các nguyên nhân này đã gây ra nhiều khó khăn trong quản lý, tồn tại một số điểm và khu vực biên giới không lớn, tại đó hai bên không nhất trí với nhau trong khi giải thích các Công ước.

Sau khi giành được độc lập, ngày 2/11/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ưong Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và giải quyết mọi tranh chấp có thể thông qua thương lượng hòa bình.

Bức thư nhấn mạnh: "Vấn đề quốc giới là một vấn đề quan trọng cần giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý đang có hoặc được xác định lại do Chính phủ hai nước quyết định".

Tháng 4/1958, Trung ­ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam, tôn trọng hiện trạng đường biên giới lịch sử được Công ước 1887 và 1895 xác lập.

Đây là thắng lợi quan trọng của quan hệ Trung - Việt trong bối cảnh nước Trung Quốc mới không chấp nhận các hiệp ước biên giới được coi là bất bình đẳng khi Trung Quốc phong kiến phải ký với các nước thực dân.

Tuy nhiên do chiến tranh chống Mỹ, hai nước đã không có điều kiện hoàn thiện chất lượng đường biên giới.

Bốn giai đoạn đàm phán

Đàm phán lần thứ nhất vào tháng 8/1974.

Sau Hiệp định Paris 1973, Việt Nam có nhu cầu xây dựng hòa bình, củng cố hậu phương miền Bắc, chuẩn bị giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trung Quốc, sau khi hòa hoãn với Mỹ năm 1972, cũng có nhu cầu đàm phán. Song do Việt Nam tập trung vào giải phóng miền Nam nên đàm phán không có điều kiện tiếp tục.

Đàm phán lần thứ hai bắt đầu từ 7/10/1977 đến tháng 6/1978 trong bối cảnh Trung Quốc ngừng các dự án viện trợ sau khi Việt Nam thống nhất, biên giới giữa hai nước khá căng thẳng. Tại cuộc đàm phán này, hai bên bắt đầu trao đổi về cơ sở pháp lý giải quyết đường biên giới.

Lễ thông xe tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) ngày 21/3/2019.

Lễ thông xe tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) ngày 21/3/2019.

Đàm phán lần thứ ba được nối lại tại Hà Nội từ ngày 18/4/1979 sau chiến tranh biên giới. Phía Việt Nam đã đưa ra đề nghị 3 điểm, trong đó điểm 3 nêu rõ:

"3. Việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước tuân theo nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại và đã được hoạch định bởi các Công ước 1887 và 1895 do chính phủ Pháp và nhà Thanh ký, và đã được phía Việt Nam và phía Trung Quốc đồng ý chấp nhận".

Đàm phán lần thứ tư gồm ba giai đoạn: 1992-1999 hoạch định đường biên giới; 2000-2008 phân giới cắm mốc đường biên giới và 2009-2010 hoàn thành các văn kiện pháp lý quản lý biên giới.

Giai đoạn một bắt đầu từ tháng 10/1992 đến 30/12/1999.

Đàm phán được tiến hành sau khi bình thường hoá quan hệ năm 1991, hai nước đều có nhu cầu ổn định biên giới để phát triển.

Đàm phán kéo dài 7 năm và trên nhiều diễn đàn (cấp Chính phủ - 6 vòng, cấp chuyên viên - 16 vòng, không kể các vòng cấp kỹ thuật ...).

Đây là đàm phán hoạch định biên giới trên bản đồ. Các văn bản pháp lý chính đạt được trong lần này là hai Đoàn đàm phán Chính phủ đã ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày 19/10/1993 và Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền ngày 30/12/1999.

Cơ sở pháp lý giải quyết vấn đề biên giới trên bộ được: "Hai Bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26 tháng 6 năm 1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20 tháng 6 năm 1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ Đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc".

Thế giới & Việt Nam - Baoquocte.vn