“Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà: Kết nối miền di sản”

Sở hữu cảnh quan nước non trùng điệp, thanh bình, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được kiến tạo bởi 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ trên làn nước trong xanh màu ngọc lục bảo. Đây cũng là nơi chứng kiến những thay đổi trong lịch sử phát triển của Trái đất. Khu rừng nguyên sinh phong phú, đa dạng về động, thực vật, các cột đá vôi được bao phủ bởi các hàng cây nhiệt đới xanh thẳm, cùng hệ thống hang động kỳ vĩ.

Vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và 2000 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo và giá trị địa mạo địa chất đặc trưng. Quần đảo Cát Bà nằm trên địa giới hành chính của thành phố Hải Phòng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004 bởi các giá trị sinh thái, nhân văn và đa dạng sinh học tiêu biểu cùng với nhiều tiềm năng phát triển bền vững.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nằm ở phía đông bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km về phía Đông, có diện tích vùng lõi đề cử di sản thế giới là 65.650 ha được bao quanh bởi vùng đệm có diện tích 34.140 ha.

Đến với Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà để chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn sự khoáng đạt của biển trời mênh mông vô tận, sự kỳ vĩ của núi đá, hang động nơi đây. Các yếu tố đá, nước, rừng và bầu trời tổng hòa tạo thành một thế giới thiên nhiên muôn màu, có vẻ đẹp và sức hấp dẫn khó cưỡng. Màu xám của đá núi, muôn sắc xanh lá cây rừng, sự chuyển tiếp giữa màu xanh biển sâu và màu lam trong các hồ nước cho tới các tùng áng và vịnh hẹp ẩn khuất trên biển. Thú vị hơn nữa, cảnh quan biến màu mỗi khi trời bắt đầu mưa, đá vôi xám ngay lập tức chuyển sang tông màu sẫm do lớp tảo lục lam trên bề mặt bị dầm nước. Xa xa ngoài vịnh, các bãi cát trắng nhỏ, xinh xắn nằm len lỏi dưới các dãy núi đá với màu xanh ngút ngàn của các loại thực vật nhiệt đới.

Ảnh 1. Bãi biển Cát Cò -Tác giả: Vũ Dũng tại Cuộc thi ảnh đẹp Cát Bà

Vùng biển này gồm nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Nhiều hệ tầng trầm tích ở khu vực này chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hoá thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã tuyệt diệt hoặc gần như tuyệt diệt trên trái đất. Sự hiện diện của rừng nguyên sinh, vịnh và những hòn đảo trên vịnh là những minh chứng độc đáo về quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình karst, hệ Phong Tùng (fengcong) và Phong Lĩnh (fenglin) hình thành qua hàng triệu năm trong điều kiện nhiệt đới, ẩm, diễn tiến lớn từ các dãy núi cao xuống đến biển, nơi địa hình karst cuối cùng đạt tới mực xâm thực cơ bản.

Ảnh 2: Non nước trùng điệp - Tác giả: Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

Hệ sinh thái (HST) của Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà có mức đa dạng cao với 7 hệ sinh thái đặc trưng vùng biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển: HST rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh; HST hang động; HST rừng ngập mặn; HST bãi triều; HST rạn san hô; HST đáy mềm; HST hồ nước mặn. Nơi đây còn là điểm cư ngụ của 4910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 51 loài đặc hữu. Các loài vẫn đang tiếp tục tiến hóa và hình thành các loài mới tại đây.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều loại thực vật đặc hữu, chỉ thích nghi sống với ở các đảo đá vôi, mà không nơi nào trên thế giới có được, đó là: thiên tuế Hạ Long, khổ cử đại tím, cọ Hạ Long, khổ cử đại nhung, móng tai Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long, hài vệ nữ hoa vàng. Các loài cây lá mọng hoặc trông xù xì như xương rồng Euphorbia antiquorum (Euphorb.), huyết giác Dracaena cambodiana (Liliac.), chi tuế Cycas sp. (Cycad.), và dây leo không lá tiết căn Sarcostemma acidum (Apocyn.) mang lại cho thảm thực vật ở đây một dáng vẻ chống chịu hạn của thực vật sa mạc.

Nằm cheo leo trên đỉnh núi Vườn Quốc gia Cát Bà tại khu vực “Ao Ếch” là sự xuất hiện của kiểu thảm cây ngập nước đặc thù và khá hiếm hoi. Loài cây và nước thường chỉ phát triển, phân bố ở Tây Nam Bộ, Việt Nam lại xuất hiện ở Cát Bà với quần thể gần như thuần loại. Thảm và nước dù có diện tích khiêm tốn, nhưng chứa đựng một nguồn gen loài thực vật vô cùng độc đáo.

Ảnh 3: Thảm thực vật tại Ao Ếch - Tác giả: Hoàng Tuấn Anh

Cũng trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Bà, một bồn trũng gần bến tàu Việt Hải bị che phủ phần lớn bởi một đầm lầy nước ngọt với các tán cây hỗn hợp. Men theo đường vào làng, thảm thực vật rừng nhường chỗ cho những cánh đồng lớn với cây lau sậy Phragmites karka (Poac.). Mặc dù có tầm quan trọng thứ yếu và nhỏ bé về mặt kinh tế, nhưng mỗi đầm lầy nước ngọt dường như có những đặc điểm khác nhau, nhiều đầm còn hoàn toàn nguyên sơ, một số là nơi cư ngụ cho những loài đặc biệt như  Combretocarpus (Họ Bất đẳng diệp). Các cây này tạo thành lớp cành bện vào nhau, gần như nằm ngang cao từ 4m - 6m so với nền rừng, từ đó hàng chùm dày rễ cây đâm thẳng xuống nền. Đây là hiện tượng hiếm có tại các vùng đất ẩm ướt nước ngọt.

Hơn thế nữa, nằm rải rác trong khu vực là khoảng 119 - 138  hồ nước mặn được hình thành từ các hố sụt, phễu karst và thung lũng kín. Các hồ nước này, chiếm khoảng 1/3 tổng số hồ nước mặn trên thế giới, là nơi lưu giữ những loài cổ xưa, quý hiếm, có giá trị lớn cho việc bảo tồn và nghiên cứu khoa học, vừa là môi trường thuận lợi cho các loài sinh vật tiến hóa.

Ảnh 4: Hồ nước mặn từ trên cao - Tác giả: Đào Ngọc Hiếu

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà còn là nơi tập trung nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm như voọc Cát Bà, thạch sùng mí Cát Bà, cua hang...Đặc biệt, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất và được ghi vào Sách Đỏ thế giới. Hiện chỉ còn một quần thể với khoảng 60 - 70 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà, không còn nơi nào khác trên thế giới xuất hiện loài này.

Cho đến nay, các hoạt động kinh tế - xã hội trên đảo cũng như trên biển luôn diễn ra sôi động gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường đã và đang bảo tồn bền vững và hiệu quả những giá trị vốn có. Những giá trị về thẩm mỹ, địa chất, địa mạo, và đa dạng sinh học nổi bật trên đây khẳng định vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà xứng đáng trở thành một di sản thiên nhiên thế giới mới với 04 tiêu chí (địa chất học, mỹ học, đa dạng về giống loài, đa dạng về sinh thái.). Qua đó, góp phần tôn vinh và bảo vệ bền vững những giá trị nổi bật của nhân loại cho hôm nay và các thế hệ mai sau./.

NGUYỄN THÙY LIÊN