Rặng thị cổ Đồ Sơn - Cây Di sản dưới chân núi Ngọc Hải Phòng

Đến với khu du lịch Đồ Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thủy hữu tình, được tham quan những địa danh như đảo Hòn Dấu, tháp Tường Long, đền Bà Đế… và được chiêm ngưỡng Rặng thị cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm dưới chân núi Ngọc.

 

Rặng thị cổ nằm rải rác ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (Ảnh: Đỗ Hoa)

 

Là bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng với chín ngọn núi cao thấp uốn lượn,vươn dài ra biển, địa hình Đồ Sơn được ví như một con Rồng đang chầu về viên ngọc là đảo Hòn Dấu. Nét độc đáo đầu tiên phải kể đến của rặng thị cổ Đồ Sơn là nó nằm ngay dưới chân núi Ngọc, ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Rồng chín ngọn này, cùng với đền cô Chín suối Rồng và chùa tháp Tường Long (nằm trên đỉnh Long Sơn), tạo nên một tuyến du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đồ Sơn. Quần thể Rặng thị cổ bao gồm 17 cây thị có tuổi đời từ vài trăm năm đến gần ngàn năm tuổi, nằm trên con đường nhỏ dẫn lên chùa tháp Tường Long. Để đến chiêm ngưỡng Rặng thị, du khách có thể bắt đầu từ đình Ngọc Xuyên, một di tích quốc gia, sau đó men theo con đường uốn lượn quanh chân núi dẫn lên suối Rồng, sau đó khoảng vài trăm mét là Rặng thị.

 

Rặng thị chín vào dịp Rằm tháng Bảy (Ảnh: sưu tầm)

 

Theo các nhà nghiên cứu, sự trường tồn của Rặng thị là một trong những yếu tố đặc trưng của một vùng long khí thịnh vượng, có huyệt đất quý của vùng đất Đồ Sơn. Có lẽ, nhờ vị trí phong thủy, đắc địa này mà suốt bao nhiêu năm qua, cả Rặng thị luôn xanh mát, khỏe mạnh, với những thân cây cổ thụ to lớn, có bộ rễ chắc khỏe và những tán lá dầy rợp bóng trên một diện tích lớn, cộng với hơi nước mát lành từ những khe suối róc rách chảy qua, khiến cho không khí nơi đây đặc biệt trong lành.

 

Rặng thị cổ nằm rải rác trong khuôn viên của 15 gia đình thuộc dòng họ Lê Viết, Phạm Văn, Nguyễn Đình... ở 2 tổ dân phố 5 và 6 phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Điểm độc đáo tiếp theo của Rặng thị này là mỗi cây thị đều có hình dáng, những nét đặc trưng, những câu chuyệnriêngvà đều được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của nhân dân, gắn với những địa danh hoặc theo tên gọi nôm na của người dântừhàng trăm năm trước. Cây thị Bảy chồi nghìn năm tuổi có đường kính tại gốc là 8 m, được người Đồ Sơn gọi là "Thần cây". Cây thị Khe có tuổi trên 800 năm, cao 20 m, đường kính thân 1,4 m, thân cây bị rỗng và có thể chứa được hai người lớn. Cây thị Bà Vải trên 800 năm tuổi, cao 20 m, là cây thị đẹp, tán rộng, đường kính thân 1,8 m, cây có dáng kỳ lạ, toàn bộ rễ trồi lên mặt đất cao tới cả mét và đen như đá. Rễ cây thị Vải trồi lên mặt đất đen như đá. Cây thị Cộc có tuổi đời trên dưới 800 năm, đường kính hơn 1m. Bên cạnh 17 cây thị cổ thụ có tuổi từ 120 đến 1.000 năm, rừng thị núi Ngọc còn có cả trăm cây thị dưới 100 năm tuổi.

 

Rặng thị sống trên sườn núi tạo nên màu xanh huyền bí của núi rừng, che chở cho nhân dân Đồ Sơn khỏi bão gió. Dưới gốc của một số cây còn lưu giữ lại dấu tích của những căn hầm bí mật kháng chiến, nơi tránh trú an toàn và cũng chính là nơi những hộp thư liên lạc chứa tài liệu cách mạng bí mật được cất giấu. Cây thị Bà Vải trong thời kỳ kháng chiến được chọn là chòi báo canh khi họp chi bộ Đảng nơi đây. Đặc biệt là cây thị cổ có tuổi đời gần 1.000 năm, được ví như thần cây và đặt tên là cây thị bảy chồi, đường kính gốc là 8m, dưới gốc cây có hầm chứa được khoảng 10 người và một hệ thống giao thông hào... Những cây thị cả trăm năm tuổi đã một thời cứu đói dân làng trong thời kỳ kháng chiến của những năm 40.

 

Dù đã gần nghìn năm tuổi, nhưng các "cụ" thị vẫn tràn đầy nhựa sống, hàng năm cho ra những trái thị thơm nức. Với những ý nghĩa và giá trị của mình, năm 2014, Rặng thị cổ Đồ Sơn đã trở thành những cây thị cổ thụ đầu tiên tại Việt Nam được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

 

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gốc thị là nơi ẩn nấp của quân du kích (Ảnh: sưu tầm)

 

 

Thời điểm giáp Tết nguyên đán, thị rụng lá, sang xuân lại xanh mơn mởn, đơm hoa, kết trái và năm nào cũng cho quả chín đúng dịp lễ Vu Lan - Rằm tháng Bảy (Ảnh: Đỗ Hoa)

Thị là loài cây  gần gũi,  gắn liền với những kỷ niệm, ký ức và văn hóa truyền thống, tâm linh của người Việt. Thị xuất hiện từ trong những câu truyện cổ tích đến những trò chơi dân gian, là loại cây rất đỗi bình dị, thân quen nhưng cũng rất được nâng niu, trân trọng bày trên ban thờ tại gia hay tại các cơ sở thờ tự. Rặng thị cổ từ lâu đã như những vị tổ vị tiên, những vị “thần cây” bao đời luôn che chở, bao bọc và giúp đỡ cho họ trên cả góc độ thực tế lẫn tâm linh.

 

Đánh giá Rặng thị cổ Núi Ngọc là tài sản vô giá cần phải gìn giữ, bảo tồn nhằm góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Đồ Sơn và thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, chính quyền địa phương đã giao cho Đoàn thanh niên, cán bộ văn hóa phường thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cành khô, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan nơi đây đồng thời vận động, tuyên truyền các gia đình trông coi, bảo vệ rặng cây quí này.

Yêu và tự hào về rặng thị cổ đã nuôi sống người dân địa phương từ đời này, qua đời khác, cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, người dân lại rủ nhau hái thị, chọn những trái tươi ngon nhất bày lên mâm cúng gia tiên, dâng tấm lòng thơm thảo, thành kính tới cội nguồn, dòng họ. (Ảnh: Sưu tầm)

 

Không chỉ dịp hè, vào tiết trời thu se lạnh, chỉ cần đặt chân đến trước cửa đền Cô Chín, men theo những bức tường đá đầy rêu phong, cổ kính, du khách sẽ được chìm đắm vào một không gian trong xanh đầy huyền bí của rừng thị trăm tuổi, trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng. Nhờ các giá trị tự thân và tâm linh quí giá, Rặng thị cổ cùng với đình Ngọc Xuyên, đền Cô Chín, suối Rồng, tháp Tường Long, chùa Tháp là tuyến du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn nhiều du kháchtrong và ngoài nước.

Đỗ Thị Phương Hoa