“Người nghệ sĩ nông dân” - Gìn giữ làn điệu Chèo tại quê hương Giang Khẩu,Tiên Lãng

Tiên Lãng được biết đến là một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa, nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như: hát chèo, cải lương, hát giao duyên…Trải qua quá trình lịch sử, đến nay nghệ thuật chèo vẫn sâu rễ bền gốc trên mảnh đất Tiên lãng, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo vùng đồng bằng sông Hồng. Dù có phần mai một bởi sự thay đổi mạnh mẽ của thời gian và đời sống đương đại song tiếng Chèo vẫn được gìn giữ bởi người dân nơi đây, từ những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ đến những người nông dân chân lấm tay bùn với quyết tâm giữ lửa chèo và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống này.

Trong các ngày Hội làng, những ngày lễ lớn của xã, huyện các bài chèo cổ vang lên tha thiết, khiến ai cũng thích thú

Làng Giang Khẩu, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, là vùng quê có truyền thống hát chèo lâu đời. Theo các cụ trong làng kể lại, từ thập niên 40 của thế kỷ trước, người dân làng Giang Khẩu đã mê hát chèo. Gánh chèo của làng từng đi hát ở các lễ hội khắp vùng và vào các dịp lễ hội của làng. Không biết từ khi nào, làn điệu ngọt ngào của chèo đã trở thành nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân nơi đây. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước bước vào cuộc kháng chiến truờng kỳ chống thực dân Pháp, gánh chèo của làng Giang Khẩu dần bị mai một... Cho tới tận những năm 1990, đội chèo làng Giang Khẩu mới chính thức được khôi phục với 15 người là những người dân quê nhiệt tình, say mê hát chèo, được đặt tên là Câu lạc bộ chèo Hương Lúa.

Các nghệ sĩ nông dân vẫn miệt mài lao động nghệ thuật lúc rảnh rỗi

Nơi tập đơn sơ, ban nhạc cũng đơn sơ, nhưng tình yêu với Chèo thì luôn đong đầy

Câu chuyện của những “nghệ sĩ nông dân”

Về mảnh đất có nhiều người nặng lòng với nghệ thuật dân gian, nơi đâycó nếp cái hoa vàng nổi danh cả nước, nhiều món ngon nổi tiếng không kém như rượu nếp, bánh chưng và xôi vò…Về với người dân quêchân chất thật thà, quanh năm trồng trọt, chăn nuôi nhưng đời sống tinh thần thì vô cùng phong phú.Trong buổi chiều đầy nắng, theo lời giới thiệu, tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hùng - người có công thành lập Câu lạc bộ chèo Hương Lúa, là người vẫn luôn giữ "lửa" nghề cho bộ môn nghệ thuật này.

Buổi tập luyện của các “nghệ sĩ nông dân”

Ông Hùng chia sẻ: Là câu lạc bộ hát chèo của một thôn nhưng lại giàu truyền thống. Từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, đất chèo Giang Khẩu đã được nhiều nghệ sĩ gạo cội của các đoàn chèo về tập huấn, hỗ trợ cũng như “tuyển quân” nên nhiều cô gái của làng Giang Khẩu có cơ duyên “đầu quân” cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, như con dâu ông là nghệ sĩ Hà Thanh Thảo hiện đang công tác tại đoàn chèo Hà Nội. Cũng theo ông Hùng, Câu lạc bộ chèo có đủ “ban bệ”: Đội trưởng, đạo diễn, nhạc công và hàng chục diễn viên quần chúng. Những vở diễn như: “Quan Âm Thị Kính”, “Tấm Cám”, “Lưu Bình - Dương Lễ” cùng hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bằng lòng nhiệt tình và năng khiếu bẩm sinh, những “nghệ sĩ nông dân” ở Giang Khẩu đã tự tin bước lên sân khấu để say sưa với những làn điệu chèo.

Những người nông dân chân nấm tay bùn nhưng luôn lạc quan, yêu đời yêu nghề

BácNgô Thị Mến, “đạo diễn” cũng là người có giọng hát thâm niên trong Câu lạc bộ hát chèo thôn Giang Khẩu cho biết: “Khi tôi về làm dâu, làng Giang Khẩu đã có nhiều người hát chèo. Vào những đêm trăng thanh hay những buổi đi cấy, đi gặt, câu chèo chẳng mấy khi ngớt trên cánh đồng. Giờ đây, không chỉ hát cho người dân quê mình nghe, chúng tôi còn tham gia nhiều hội thi, hội diễn và đều có giải thưởng, được ghi danh”.

Cuộc sống dù vất vả nhưng hễ ngơi tay cuốc, tay cày, những “nghệ sĩ nông dân” lại sẵn sàng hóa thân thành nhân vật cổ tích bước lên sân khấu, luôn nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự yêu mến của người dân. Yêu chèo và mê hát chèo, nên các thành viên tụ hội lại với nhau giao lưu sinh hoạt cho vui xóm, vui nhà. Đa phần các nhạc cụ như tam, néo, nhị…đều được các bác nông dân khéo tay ở đây tự sản xuất. Trong tiếng đàn tiếng trống rộn ràng, giọng ca mượt mà đằm thắm của các nghệ sĩ nông dân cất lên như mang đến bao điều bình yên, tốt lành cho người dân miền quê vất vả.

Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa quê hương

Người dân nơi đây mê hát chèo, lớn lên trong cái nôi hát chèo! Bởi, làn điệu chèo có trong lời ru của mẹ, của bà, trong những hội xuân náo nức. Những câu chèo tha thiết theo chân người làng đi khắp các nẻo đường, ra đồng với hạt thóc, củ khoai, lên phố với các cuộc thi, hội diễn. Người dân ở Giang Khẩu nâng niu, gìn giữ những điệu chèo như vốn quý của làng. Nhiều gia đình trong thôn có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo. Anh Lê Hữu Thái, một thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ hát chèo thôn Giang Khẩu bộc bạch: “Không chỉ dựng lại các tích chèo cổ, chúng tôi còn “tự biên, tự diễn” nhiều tiểu phẩm về quê hương. Tự bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục nhưng chúng tôi vẫn say đắm với làn điệu chèo, bởi đơn giản đó là niềm đam mê”.

Một buổi tập của câu lạc bộ Hương Lúa

Cứ như vậy, “tre già măng mọc”, các thế hệ trao truyền nhau gìn giữ nghệ thuật chèo như một “bảo vật” của làng... Không chỉ vậy, nhiều “nghệ sĩ nông dân” của thôn Giang Khẩu đã tích cực truyền dạy, hỗ trợ người dân các địa phương khác phát huy nét đẹp của những làn điệu chèo truyền thống. Nhiều năm qua, Câu lạc bộ hát chèo thôn Giang Khẩu luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như trong ngành giáo dục. Nhiều em học sinh cấp 1, cấp 2 thường chọn làn điệu chèo để tham dự các cuộc thi như Tiếng hát Chim Sơn Ca thành phố Hải Phòng. Những dịp này, các em được các cô chú trong câu lạc bộ Hương Lúa chỉ dạy, hướng dẫn và đều đạt được nhiều thành tích cao, đây cũng là cách để truyền bá cho thế hệ trẻ gìn giữ nét đẹp văn hóa nghệ thuật của quê hương.

Hát chèo luôn là tiết mục hấp dẫn thu hút các bạn nhỏ
Tre già măng mọc, các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa nghệ thuật của quê hương

Phó Chủ tịch UBND xã Giang Khẩu cho biết: Làn điệu chèo có một sức sống mãnh liệt, là mạch nguồn không thể thiếu trong đời sống văn hóa quê nhà. Làng quê Giang Khẩu không chỉ đẹp với những con đường hoa thẳng tắp, xanh tươi bốn mùa, mà còn bởi tình yêu chèo được vọng ra từ trái tim mỗi người dân nơi đây. Tại nhiều cuộc giao lưu, đám cưới, mừng thọ... không thể thiếu tiếng hát chèo Giang Khẩu.

Nghệ thuật Chèo là nghệ thuật dân gian mang tính dân tộc ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy bắt nguồn từ dân gian, tự phát nhưng nghệ thuật Chèo không ngừng được cải tiến, nâng cao và hoàn chỉnh qua nhiều thế hệ các nghệ nhân, nghệ sỹ (chuyên nghiệp và không chuyên), sáng tạo nối tiếp nhau thành loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở trình độ cao, chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Bằng chính những nét đẹp trong đời sống và lao động, Câu lạc bộ chèo Hương Lúa Giang Khẩu đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc, với sự chân chất mộc mạc nhưng ẩn chứa tình yêu quê hương, yêu đất nước, giúp những con người chất phác ấy xích lại gần nhau, thêm ấm áp tình làng nghĩa xóm trên quê hương Tiên Lãng anh hùng. Khi ra về nhưng những âm thanh rền vàng, khi trầm, khi bổng,lúc tha thiết, tiếng í a, này mình ơi, này ta ơi…còn văng vẳng mãi trong tâm trí khiến tôi cũng muốn chìm đắm trong lời ca ý đẹp đó mãi không rời./.

Vũ Thị Loan