Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Nét văn hóa đặc sắc của người dân miền biển Hải Phòng

Được mệnh danh là vùng đất huyền thoại, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của trời mây sóng nước, ghi dấu những truyền thuyết xưa và nay. Vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử và danh thắng mang đặc trưng của miền biển. Trong đó, nổi bật và đặc sắc nhất là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Hàng năm đến ngày 9/8 Âm lịch, người dân khắp nơi lại rộn rã kéo về Đồ Sơn để xem lễ hội chọi trâu - Một trong những lễ hội độc đáo nhất của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn năm 1983 (Hình: sưu tầm)

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu, là một tập tục cổ, có từ xa xưa, là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 của Việt Nam. Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn liền với nhiều truyền thuyết được người dân truyền miệng suốt hàng ngàn năm qua.

Thần tích Điểm Tước Đại Vương: Ở chân Núi Tháp, thuộc địa phận xã Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, có một ngôi đền thờ vị tôn thần, tên hiệu là Tước Điểm Đại Vương. Truyền thuyết ghi lại rằng một số người dân từng đi qua đền thờ tôn thần này và gặp hai con trâu húc nhau. Thấy động, chúng liền bỏ chạy xuống biển. Từ đó, người dân địa phương mở Lễ hội chọi trâu vào mùng 9 tháng 8 âm lịch hàng năm và làm lễ tế thần Điểm Tước bằng một con trâu khỏe mạnh nhất được tuyển chọn thông qua hình thức thi chọi giữa những con trâu trong vùng.

 

 Phần Lễ trong lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn (Hình: sưu tầm)

Huyền tích Đền Bà Đế: Xa xưa có một cô gái xinh đẹp tên là Đế, nàng thường ra biển một mình và cất giọng hát làm mê đắm lòng người. Tiếng hát quyến rũ đến nỗi làm rung động trái tim Thủy Thần (Vua Thủy Tề) và hai người đem lòng yêu thương nhau. Vì lỡ có mang, lại chưa chồng nên nàng Đế phải chịu lệ làng khắc nghiệt, bị thả xuống biển để sóng biển dìm chết. Cô gái oan ức, hiển linh và được cộng đồng địa phương lập đền thờ, tên gọi là đền Bà Đế. Nơi bà chết, từ đó có rất nhiều tôm cá tập trung, là nơi ngư dân đánh bắt được mùa, nhưng cũng thường xảy ra nhiều tranh chấp giữa các vạn chài. Người ta bèn tổ chức thi chọi trâu, mỗi vạn chài được phép mang một con trâu ra thi đấu. Trâu của vạn chài nào thắng, năm ấy vạn chài đó sẽ được độc chiếm bãi cá tôm và con trâu thắng cuộc được mang đi cúng tế Bà Đế cùng Thủy Thần, cầu mong cho dân chài Đồ Sơn quanh năm được mùa.

 

 Hình ảnh các cặp Trâu chọi trong lễ hội  (Hình: Sưu tầm)

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm những nghi thức truyền thống, trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, được thực hiện từ ngày 1/8 âm lịch, do các vị cao niên trong làng đảm nhiệm. Lúc này, các làng có trâu chọi đều phải ra làm lễ. Tiếp theo là lễ rước nước, có gắn với tục tế Thuỷ Thần. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng (phường) mang về đình riêng. Tại đình làng, các chủ trâu được cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng. Sau khi làm lễ,  trâu chọi sẽ chính thức được gọi là "ông trâu", là biểu tượng tâm linh, đại diện cho niềm tin và ước vọng của người dân nơi đây. Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, dân cư trong các làng (phường) đều kéo ra đình. Từ đây, lễ rước các ông trâu ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm. Trước kia, lễ tế thần diễn ra ở tất cả các giáp của tổng Đồ Sơn với sự linh đình về vật lễ tế cũng như các thủ tục hành lễ. Phần hội diễn ra vào ngày mùng 9/8 âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh vang vọng của trống và thanh la. Với màn múa cờ, những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi. Đúng 8 giờ, tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các ông trâu vào trận vang lên rộn rã. Từ hai cổng bắc - nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng (ở hai bên). Khi có hiệu lệnh phát ra, hai trâu từ hai phía sẽ được cho di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 m. Ở hiệu lệnh tiếp theo, người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi để hai trâu lao vào nhau bắt đầu trận so tài. Kết quả trận đấu sẽ được phân định khi có một ông trâu bỏ chạy hoặc bị chết hay không thể thi đấu được nữa. Tiếp theo sẽ là màn “thu trâu”, do các chủ có trâu vừa thi đấu tìm cách đưa trâu của mình ra khỏi sàn đấu. Các ông trâu tham gia giải đấu thường được bốc thăm phân cặp và đấu loại trực tiếp. Ông trâu chiến thắng trận cuối cùng sẽ trở thành quán quân của giải.

Nghi thức rước trâu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hình: sưu tầm)

Nét độc đáo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được thể hiện ở chỗ, dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt để tế thánh thần, trời đất.  Người ta tin rằng, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn và người nào được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, cũng sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

 

Các trận ‘đấu ngưu” căng thẳng và hấp dẫn tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hình: sưu tầm)

Ngày nay, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được nhân dân cả nước và du khách bốn phương biết tới như là một lễ hội lớn, gắn liền với tên tuổi của vùng đất Đồ Sơn nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Lễ hội được tổ chức mang lại nhiều ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử. Ngoài ra lễ hội còn là một hoạt động quảng bá cho du lịch của thành phố. Sự phục hồi lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một việc làm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chấn hưng lễ hội này với những đặc điểm vốn có của nó sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước cứ đến hội lại nô nức đổ về, tạo nên một sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo có một không hai trên cả nước./.

Tham khảo trang vi.wikipedia.org và thanhphohaiphong.gov.vn và lehoi.cinet.vn

ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA