Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Hải Phòng, mảnh đất có lịch sử phát triển lâu đời và giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội đặc sắc, giá trị cho kho tàng các lễ hội dân gian. Một trong đó là Hội thi pháo đất (còn gọi là Hội đánh pháo đất) huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, một lễ hội dân dã nhưng lại chứa đựng sức sống mãnh liệt cùng nét đặc sắc và sự hấp dẫn rất riêng. 

Hội thi Pháo đất tại Vĩnh Bảo có truyền thống lâu đời (Hình: sưu tầm)

Hàng năm, cứ đến ngày 3 tháng 8 âm lịch, trong tiết trời thu mát mẻ, đang những ngày nông nhàn, người dân Vĩnh Bảo và ở các huyện lân cận lại háo hức hướng về Hội thi pháo đất, một lễ hội truyền thống, thường được tổ chức tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

 

Để làm ra những pháo đất lớn, có tiếng nổ vang đòi hỏi nhiều kĩ thuật khó (Hình: sưu tầm)

Pháo đất, còn gọi là pháo nổ, pháo nang, phết, đánh đườn theo câu nói hay được dùng khi chơi, là một trò chơi dân gian của Việt Nam sử dụng một loại pháo làm bằng đất. Không thấy sử sách chép lại, nhưng các câu chuyện lưu truyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cho thấy pháo đất xuất hiện trong quá trình dân ta đắp đê ngăn lũ. Về trò chơi và cuộc thi pháo đất tại Vĩnh Bảo, có truyền thuyết kể rằng: Nữ tướng Lê Chân khi tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân đô hộ nhà Hán (năm 40-44), có lần qua vùng đất Tân Liên ngày nay, con voi của bà bị sa lầy trong khi quân giặc đang kéo đến. Thấy vậy, dân trong vùng hò la, hỗ trợ, giúp nghĩa binh vác đất đắp đường cho voi lên. Thoát nạn, bà Lê Chân truyền cho dân làng gọi đống đất đắp cho voi lên là đống phù lưu và từ đó mỗi khi việc đồng áng rỗi rãi, người dân lại tụ tập diễn tích tung đất, đắp đất, reo hò. Dần dà, ai đó đã biến những hòn đất dẻo thành pháo và hội thi pháo đất theo đó đã được hình thành tại nơi đây, với đầy những ý nghĩa văn hóa và tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân bản địa.

Những người cao niên trong làng truyền tải kinh nghiệm cho thế hệ sau (Hình: sưu tầm)

Trước thời điểm Hội thi diễn ra, các đội thi và người dân nơi đây thường hào hứng cùng nhau làm pháo đất. Để gieo được một quả pháo thành công, có 3 yếu tố quan trọng là: chọn và xử lý đất, kỹ thuật bấm cạnh pháo và gieo pháo. Đất sau khi được lấy lên, sẽ được thái lát bằng dây, rồi được xử lý một cách kỳ công để loại bỏ hết lớp bùn cùng những tạp chất. Sau đó, sẽ được mang úp lên tường và phơi cho đến khi bề mặt se lại. Việc chế tạo này không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết, mà còn phải có cả kinh nghiệm lẫn tay nghề điêu luyện ở người làm, nhất là sự khéo léo và cái tinh tế của đôi bàn tay nặn pháo.

 

Với Pháo đất cần đòi hỏi người chơi có tính cẩn thận và kiên nhẫn (Hình: sưu tầm)

Vào Hội thi, mọi người đều có thể tham gia đánh pháo, nhưng phần đông người dự thi là những chàng trai khỏe mạnh. Người ta chia những “pháo thủ’ này thành nhiều "cỗ pháo", mỗi cỗ gồm ba bốn người, được nhận từ 25 kg đến 30 kg đất để thi làm pháo nhanh. Ông quản pháo - người có uy tín nhất trong các lần đánh pháo, sẽ thúc một hồi trống. Trong tiếng trống vang rộn rã, các cỗ pháo lần lượt tiến ra sân bãi bằng phẳng, rắn chắc giữa tiếng reo hò của người xem. Mỗi cỗ chọn một người khỏe mạnh nhất vào thi, số còn lại đứng cạnh để nâng pháo. Đầu tiên là màn tung pháo. Người dự thi nhận pháo đã được củng cố từ đồng đội của mình, nâng pháo lên ngang mặt, đoạn xoay mạnh hai tay mà tung pháo lên, sao cho càng cao càng tốt và pháo không bị chao đảo. Sau ba lần tung quả pháo lên như vậy thì chuyển sang thi ba lần đập úp ba quả pháo khác. “Pháo thủ” sẽ nâng lên ngang ngực, rồi đập úp thật nhanh quả pháo xuống mặt đất. Khi đó, không khí trong lòng pháo sẽ bị nén lại, tạo sự chênh lệch áp suất giữa trong lòng pháo với ngoài thân pháo, làm cho vỏ pháo mỏng bị phá vỡ mà phát ra tiếng nổ. Khi tung pháo lên hoặc đập úp pháo xuống như trên, cánh pháo làm bằng đất mềm theo thành pháo sẽ vỡ toang và mở ra theo chiều dài (thường trên dưới một mét, có khi dài tới hai mét), xoắn lại nằm vắt ngang thân pháo. Pháo nổ càng to, cánh pháo càng mở dài, càng nói nên sức khỏe, kỹ thuật cao của người làm pháo và đánh pháo. Hội thi pháo đất là cuộc thi dân dã, gần gũi với bà con nông dân nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Đây dịp gắn kết cộng đồng, để mọi người từ mọi độ tuổi, giới tính, trình độ… có thể cùng giao lưu, chia sẻ cùng hòa trong không khí sôi nổi, hào hứng.

Hội thi pháo đất thu hút tất cả nam giới trong làng (Hình: sưu tầm)

Có những quả pháo đất lớn cần tới 4-5 người khênh để nổ pháo (Hình: sưu tầm)

Ngày nay, chúng ta thường nghe nhắc tới Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo, cho thấy những lễ hội dân gian đã đi vào tâm trí của người dân địa phương cũng như du khách thập phương. Chính quyền địa phương gần đây cũng rất quan tâm và tạo điều kiện để nâng tầm lễ hội, nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian truyền thống cũng như tạo nên một sân chơi mang không gian văn hóa và tính giải trí độc đáo cho quần chúng nhân dân góp phần tăng thêm sức hút cho du lịch Hải Phòng. Bởi vậy, người dân Vĩnh Bảo luôn tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương mình với những con người tần tảo, chịu thương chịu khó làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình bằng việc giữ gìn phát huy các phong tục, tập quán độc đáo như Hội thi pháo đất tuy mộc mạc bình dị nhưng lại mang giá trị tinh thần và văn hóa vô cùng lớn./. 

ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA