Hải Phòng xưa và nay: nhà máy xi măng Hải Phòng – khu đô thị Vinhomes Imperia

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, của thành phố Hải Phòng từ ngày đổi mới đất nước đến nay là kết quả của quá trình Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa hôm xưa và hôm nay, giữa truyền thống và hiện đại, giữa kế thừa và phát triển… Tại thành phố Cảng đó là sự chuyển tiếp và kết nối giữa Nhà máy Xi măng Hải Phòng – biểu tượng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn một thời và Khu đô thị Vinhomes Imperia – thương hiệu đô thị mới.

Ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay (địa phận làng Hạ Lý, tổng Lạc Viên, huyện An Dương ngày xưa), Nhà máy Xi măng Hải Phòng chính thức được khởi công xây dựng, đích thân toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung đánh dấu sự ra đời của nhà máy với bao kỳ tích, trường tồn và phát triển qua ba thế kỉ.

Xi măng Hải Phòng – cái nôi của xi măng Việt Nam, hành trình hơn một trăm năm xây dựng và trưởng thành của xi măng Hải Phòng gắn với những trang sử hào hùng, oanh liệt, nhưng thấm đẫm máu xương của lớp lớp thế hệ công nhân xi măng đã hy sinh để bảo vệ nhà máy, gắn với những thành tựu to lớn, vượt qua khó khăn để “sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm nhà máy ngày 30/5/1957.

Nhà máy Xi măng Hải Phòng năm 1932

Sau nhiều năm hoạt động, dây truyền sản xuất cũng đã cũ kĩ và lỗi thời, nhà máy lại nằm nơi cửa ngõ thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/TTg ngày 29/11//1997 về việc đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới.  Theo đó, ngày 25/12/2002, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới được khởi công xây dựng trên mặt bằng của Xí nghiệp Đá Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, Huyện Thủy Nguyên với công nghệ thiết bị hiện đại, đảm bảo về chất lượng sản phẩm và các tiêu chí về môi trường. Nhãn hiệu Con Rồng của Xi măng Hải Phòng đã nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế, nhiều chủng loại xi măng được nhà máy được nghiên cứu sản xuất thành công, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và xuất khẩu sang nhiều nước khẳng định tính đúng đắn và hiện thực hóa đường lối đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa do Đảng ta đề xướng và thực hiện.

Sau khi nhà máy Xi măng Hải Phòng được di dời sang địa điểm mới, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tập đoàn Vin Group đã tiếp quản toàn bộ khu đất cũ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng để xây dựng Khu đô thị Vinhomes Imperia.

Nhà máy xi măng cũ và Nhà máy xi măng mới

Được quy hoạch tại vị trí sở hữu hai mặt tiền giáp với 2 dòng sông lớn, hai mặt còn lại tiếp giáp hai trục đường lớn, do lợi thế vàng với quy hoạch giao thông thuận lợi, phong thủy vượng khí, Khu đô thị Vinhomes Imperia thu hút sự quan tâm và lựa chọn của tầng lớp thượng lưu ở Hải Phòng.

Cao ốc 45 tầng cao nhất Đông bắc bộ

Dự án Khu đô thị Vinhomes Imperia được chia thành 4 phân khu với các biệt thự liền kề, song lập, đơn lập; Tòa khách sạn và trung tâm mua sắm 45 tầng, 1 tòa Clubhouse và 03 trường học để đảm bảo mô hình khu đô thị phức hợp khép kín với hệ thống tiện ích và dịch vụ cao cấp nhất hiện nay của Hải Phòng.

Các tòa biệt thự nằm trong khu Vinhomes Imperia

Và đặc biệt nơi đây, giữa trung tâm khu phức hợp hiện đại này, nơi lò nung số 3 của Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch diện tích trên 5000 m2 để xây dựng Bảo tàng ngành Xi măng và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng ngày 30/5/1957

 

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên vùng đất ngã ba Sông Cấm và Kênh đào Hạ Lý năm xưa, Vinhomes Imperia (còn được người dân gọi là Khu Đô thị xi măng Hải Phòng) được xây dựng lên – tạo điểm nhấn vào cửa ngõ và góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố Hải Phòng – thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Bài viết: Hoàng Văn Tuấn - Ảnh: Sưu tầm