Hải Phòng: Đổi mới sản phẩm để hút khách du lịch

Với mục tiêu đón 7,3 triệu lượt khách trong năm 2023, ngành du lịch Hải Phòng đang nỗ lực đổi mới sản phẩm, dự kiến tham gia nhiều hội chợ quảng bá, chú trọng đến các công cụ mạng xã hội để hút khách.
Đa dạng hóa điểm đến, sản phẩm du lịch
Cùng với ngành du lịch cả nước, du lịch Hải Phòng đang có sự phục hồi vô cùng ấn tượng. Các hoạt động kích cầu và phục hồi du lịch, lữ hành trong những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Bên cạnh thế mạnh du lịch biển, những ngày đầu năm, các sản phẩm du lịch khảo cứu văn hoá lịch sử cũng mang lại sự khác biệt cho du khách. Nhiều hoạt động lễ hội truyền thống tại các di tích, danh thắng tại Hải Phòng được tổ chức trở lại, với quy mô lớn cùng nhiều nét mới đã thu hút đông đảo du khách đến dự hội, tham quan và chiêm bái.

Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương nằm trên Đảo Dấu là điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương

Như tại quận Đồ Sơn, để làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách, năm nay, địa phương này đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lễ hội tại các điểm di tích, tâm linh, tín ngưỡng trên địa bàn. Trong đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tại các điểm di tích tiến hành trang hoàng thêm hoa tươi, cây cảnh, lắp đặt tiểu cảnh, bố trí thuyết minh viên; phân công lực lượng kiểm tra, ngăn ngừa hành vi, biểu hiện mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình…tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi về Đồ Sơn.
Mới đây, tại lễ hội Đảo Dấu được tổ chức tại Đảo Dấu - di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, lượng du khách đến tham quan, chiêm bái rất đông. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tại di tích này, lễ hội truyền thống gắn với di tích vẫn được duy trì, có sức thu hút đặt biệt, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Năm nay, để thu hút khách du lịch đến với đảo Dấu, địa phương đã đổi mới chương trình lễ hội. Bên cạnh ngày hộ chính, quận Đồ Sơn còn tổ chức liên hoan diễn xướng hát văn và chầu văn Đồ Sơn mở rộng năm 2023.

Đảo Dấu, quận Đồ Sơn nhìn từ trên cao

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: “Đây là lần đầu tiên quận Đồ Sơn tổ chức chương trình diễn xướng hát văn và chầu văn Đồ Sơn mở rộng năm 2023, nhằm sân khấu hóa loại hình nghệ thuật diễn xướng hát văn và hát chầu văn; mang lại cái nhìn đúng đắn nhất về những giá trị cốt lõi của văn hóa "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt"  - được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Qua đó, giới thiệu đến công chúng du khách về Di sản văn hoá Phi vật thể”.
Còn tại huyện Vĩnh Bảo, nơi có Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bình Kiêm, để giữ chân du khách, thời gian qua, cùng với “làm mới” những điểm đến, sản phẩm du lịch, tour, tuyến truyền thống, địa phương này cũng tập trung xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch mới.

Du lịch tâm linh đang là một sản phẩm du lịch được TP Hải Phòng chú trọng phát triển trong thời gian tới

Theo ông Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, thực hiện kế hoạch phát triển du lịch huyện Vĩnh Bảo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vĩnh Bảo đã yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp các phòng, ban huyện liên quan, chính quyền các địa phương nghiên cứu, xem xét, tham mưu UBND huyện xây dựng mới 3-4 tour, tuyến du lịch/năm. Ngoài Khu di tích Đền thờ Trạng Trình, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm đồng quê kết nối các vùng hoa ở xã Thắng Thủy, xã Hùng Tiến, làng nghề ương nuôi cá giống Hội Am; xây dựng các tour, tuyến nghiên cứu, học tập, tìm hiểu văn hóa, lịch sử đất và người Vĩnh Bảo kết nối nhà lưu niệm Danh y Đào Công Chính với các di tích văn hóa, lịch sử trong huyện…
Thực tế, theo khảo sát tại các đơn vị lữ hành cho thấy, thị trường du lịch đầu năm 2023 tại Hải Phòng khá sôi động, lượng khách tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và phần lớn đăng ký tour từ khá sớm.

Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng ước đón và phục 913,622 nghìn lượt khách tăng 28,45% so với cùng kỳ

Theo ông Anpha Bùi Thanh Bình - Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế cho biết, trong những tháng đầu năm, công ty đẩy mạnh khai thác các tour du lịch tâm linh, lễ hội. Ngay tại thành phố Hải Phòng, các tour du lịch tâm linh ngắn ngày trong địa bàn thành phố khá hút khách. Lượng khách đến với các điểm di tích tâm linh độc đáo trên địa bàn thành phố như: Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên), quần thể chùa – tháp Tường Long (quận Đồ Sơn) đạt xấp xỉ gần bằng thời điểm trước dịch COVID-19.
Hướng tới đối tượng khách có khả năng chi trả cao
Theo phân tích lượng khách trong năm 2022, đến với Hải Phòng chủ yếu là khách du lịch nội địa, chiếm hơn 90%. Dù du lịch quốc tế được mở cửa trở lại, tuy nhiên với những bất ổn về tình hình chính trị thế giới, diễn biến dịch COVID-19 nên lượng khách quốc tế đến Hải Phòng chưa nhiều.
Năm 2023, ngành du lịch Hải Phòng đặt mục tiêu đón 7,3 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch địa phương sẽ hướng đến thị trường khách nội địa, từng bước khôi phục dần thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống khu vực Đông Bắc Á, ASEAN và một số thị trường khác như: Anh, Pháp, Australia, Ấn Độ…

Du khách về tham quan, chiêm bái và dự lễ hội Đảo Dấu

Theo ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, thời gian tới, ngành du lịch tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách với chi phí hợp lý. Để làm được điều này, ngành du lịch TP Hải Phòng xác định tập trung đẩy mạnh khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng hướng tới sản phẩm du lịch thể thao, du lịch biển đảo, kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm mở rộng không gian, thu hút đối tượng khách có khả năng chi trả cao; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch Hải Phòng trên các nền tảng số như: Website, Fanpage, TikTok, Instagram, Youtube… Đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho lực lượng lao động trong ngành, nhất là về kỹ năng nghiệp vụ và Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch…
Cũng theo ông Thưởng, trước xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái của du khách, việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 sẽ được chú trọng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm Foodtour Hải Phòng gắn với phát triển bền vững sản phẩm Hải Phòng Citytour. Ngoài ra, trong năm 2023, ngành du lịch dự kiến tham gia nhiều hội chợ quảng bá du lịch, chú trọng, quan tâm đến các công cụ mạng xã hội, các điểm nhấn về hình ảnh, điểm check-in để thu hút khách.
Theo Sở Du lịch Hải Phòng, tính đến hết tháng 2/2023, Hải Phòng ước đón và phục 913,622 nghìn lượt khách tăng 28,45% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 822,259 tỷ đồng. Chỉ tính trong tháng 2/2023, Du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ 467,608 nghìn lượt khách, tăng 45,87% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 76,541 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt 420,847 tỷ đồng.
HẢI NGÂN - LÊ LINH (diendandoanhnghiep.vn)