Đúc Mỹ Đồng – Sức sống của làng nghề truyền thống trong thời đại mới

Làng đúc Mỹ Đồng là một làng nghề truyền thốngthuộc xã Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Làng đúc Mỹ Đồngnổitiếng với tuổi đời hàng trăm năm và đã trải qua bao thăng trầm theo dòng chảy của thời gian. Đến nay, làng đúc Mỹ Đồng không chỉ duy trì được những giá trị tinh hoa truyền thống mà còn phát triểntheo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành một trong những lá cờ đầu trong phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Làng đúc Mỹ Đồng đã tồn tại hàng trăm năm nay (Ảnh: Sưu tầm)

Cũng như ở những vùng quê khác, nghề rèn ở Mỹ Đồng được khởi nguồn từ rất sớm với các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp như dao, liềm, xẻng, thuổng… Nghề đúc ở Mỹ Đồng được hình thành muộn hơn, từ đầu thế kỷ XX, khi dân làng học được bí quyết từ những người thợ giỏi đến đây đúc lưỡi cày, cuốc… theo cách hoàn toàn thủ công từ việc thổi lò bằng ống hơi và đẩy bằng tay trong các hộ gia đình.

Các lò đúc tại Mỹ Đồng luôn rực lửa suốt ngày đêm (Ảnh: Sưu tầm)

Năm 1938, có một con tàu ngoại quốc bị kẹt tại cảng Hải Phòng vì bị hỏng bộ phận giữ thăng bằng đuôi, gọi là “con rùa đối trọng”, nặng khoảng 1 tấn. Chủ tàu đi đặt hàng khắp nơi nhưng không nơi nào dám nhận. Vớitinh thần đột phá, dám nghĩ dám làm, các chủ lò trong làng đúc Mỹ Đồng đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận công việc này. Họ tập trung các bễ nấu trong làng thành 8 lò, nổi lửa liên tục. Kết quả của sự đồng tâm hiệp lực này cùng với những kỹ năng và kinh nghiệm làm nghề dày dặn của những người thợ giỏi, sản phẩm đã được hoàn thành với chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Sự kiện này đã gây được tiếng vang lớn, từ đó, tiếng lành đồn xa, nghề đúc tại Mỹ Đồng ngày càng phát triển mạnh mẽ, được cả nước biết tới.

Một công đoạn làm khuôn đúc (Ảnh: Sưu tầm)

Giai đoạn những năm 1945, làng tham gia sản xuất vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ này, do ảnh hưởng của chiến tranh, làng nghề cũng bị tàn phá nặng nề.Khi hòa bình được lập lại, làng nghề lại tập trung cải tiến kỹ thuật, tự trang tự chế máy móc, thiết bị và từng bước cơ khí hóa, điện khí hóa sản xuất, cho ra thêm nhiều loại sản phẩm giá trị phục vụ cho tiêu dùng, cơ khí nông nghiệp, giao thông vận tải...

Trong giai đoạn Việt Nam đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, nghề đúc, rèn ở Mỹ Đồng tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng cá thể hóa. Từ năm 1990 đến năm 2000, số các hộ đúc tư nhân, rèn công cụ, sản xuất cơ khí đã tăng nhanh chóng với các sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Đến năm 2000, toàn xã có 67 hộ đúc (trong đó có khoảng 50% số hộ hộ đúc xuất khẩu), 28 hộ làm cơ khí, 35 hộ rèn, 01 cơ sở luyện thép. Từ năm 2001, hình thành và phát triển khu công nghiệp làng nghề Mỹ Đồng với nghề đúc, rèn kim loại là mô hình sản xuất tiên tiến và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quy trình rót gang nung chảy vào khuôn đúc (Ảnh: Sưu tầm)

Hiện nay, tại Mỹ Đồng có gần 200 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đúc, rèn và gia công cơ khí. Mỗi tháng, làng sản xuất ra khoảng 8.000 tấn sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… Doanh thu của làng nghề chiếm tới khoảng 90% doanh thu toàn xã, tạo việc làm cho hàng ngàn các lao động địa phương và ở các vùng lân cận với mức thu nhập bình quân tương đối cao trong khu vực, trung bình từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm chảo gang nổi tiếng của làng nghề Mỹ Đồng (Ảnh: Sưu tầm)

 

Sản phẩm của làng nghề Mỹ Đồng hiện nay khá đa dạng, phục vụ cho các ngành: xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng như: vỏ motor điện, máy bơm nước, khung xe máy, chân máy khâu, nắp hố ga, các loại bánh răng, các bộ phận máy xay sát, máy nghiền, xéc măng máy nổ, các dụng cụ, đồ gia dụng, đồ thờ cúng, bày trí... Bên cạnh đó, Mỹ Đồng còn thành công trong việc sản xuất kết cấu thép, vật liệu hàn, thiết bị tàu thủy như cửa chống cháy, nồi hơi, nắp hầm, thiết bị boong, phụ kiện đường ống, xích neo, neo, cánh quạt, động cơ thủy lực, hộp số, chân vịt tàu hay các thiết bị kim loại...

 

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại Mỹ Đồng (Ảnh: sưu tầm)

 

Ở Mỹ Đồng giờ đây, nghề đúc không chỉ tồn tại dưới hình thức cha truyền con nối mà nhiều hộ gia đình đã phát triển thành công ty, doanh nghiệp, mỗi năm có doanh thu hàng chục tỉ đồng,điển hình như doanh nghiệp Văn Đóa, Thành Phương, Phương Nghĩa…Trên phương diện làm nghề, nhiều thợ giỏi, nghệ nhân của làng Mỹ Đồng đã có đóng góp tích cực vào những công trình văn hóa, nghệ thuật quan trọng của đất nước. Tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn Văn Soái, là người đã nghiên cứu kỹ thuật đúc đồng và thi công công trình Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn ở Quảng trường Ba Đình.

 

Một số sản phẩm công nghiệp của làng đúc Mỹ Đồng (Ảnh: sưu tầm)

 

Tình yêu nghề và kinh nghiệm quí báu được hun đúc và trao truyền lâu nay là cơ sở vững chắc để đưa làng nghề Mỹ Đồng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tiếp tục là nhân tố quan trọng để xã Mỹ Đồng là một điểm sáng của huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng thực hiện thành công công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với Huân chương Lao động hạng Nhì mà Chủ tịch nước đã trao tặng./.

Đỗ Thị Phương Hoa