Di tích cấp quốc gia – đình cổ An Biên (quận Lê Chân): Nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa Hải Phòng

Đình An Biên, là nơi thờ Nữ tướng Lê Chân, người có công lập ra trang An Biên xưa, thành phố Hải Phòng nay.

Nằm trên phố Hai Bà Trưng (quận Lê Chân), đình An Biên - di tích cấp quốc gia không chỉ là minh chứng sinh động về kiến trúc, đạt trình độ thẩm mỹ cao của nhân dân Hải Phòng, tiêu biểu của nghệ thuật đình làng Việt Nam cuối thế kỷ 19, mà còn là nơi hội tụ, phản ánh cuộc sống, tình cảm và những nét văn hóa đặc trưng của người đất Cảng.

Tiêu biểu kiến trúc đình làng Việt Nam

Đình An Biên (số 170 phố Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân) nằm giữa phố phường đông đúc, nhà san sát, nhấp nhô, nhưng ai qua vẫn dễ dàng nhận ra nhờ những mái ngói rêu phong cổ kính, đầu đao cong vút. Cảnh quan xưa, cây đa, hồ nước, xóm ngõ quanh co, ruộng đồng tươi tốt tuy không còn, nhưng truyền thống lịch sử lâu đời thắm đượm tinh thần dân tộc vẫn lắng đọng trong từng thớ gỗ, từng tiết hoa văn trang trí của ngôi đình.

Dẫn khách tham quan đình, ông Lê Văn Hồng, thành viên Ban quản lý đình An Biên giới thiệu: Đình An Biên tọa lạc trên khuôn viên đất chữ nhật vuông vức, rộng gần 3000 m2. Mặt bằng kiến trúc bố cục theo lối chữ công, gồm 5 gian đại đình, ba gian nhà cầu và hậu cung. Hậu cung là ngôi nhà 3 gian song song với đu đình, mặt trước thông các nhà cầu bằng hệ thống cửa bức bàn, chung quanh xây tường gạch che kín. Đặc biệt, gian trung tâm, nơi đặt ban thờ Nữ tướng Lê Chân - thành hoàng đất Hải Phòng có kiến trúc kiểu lầu điện cao 3 tầng, 4 mái tương tự như gác chuông, gác trống ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Về trang trí, mái đình đặt trên tổng thể 11 gian. Những đầu đao uốn cong giúp hình khối kiến trúc của ngôi đình cân bằng trong không gian. Cảm giác đầm ấm, thanh thoát của những đầu đao hoà hợp với kiến trúc chung giúp người tham quan cảm nhận được sự cân bằng vừa mắt của toàn bộ hệ thống kiến trúc ngôi đình. Các thành phần kiến trúc ở trong đình như: xà, câu đầu, xà nách, ván lá gió, rường, bẩy...) đều được chạm khắc trang trí. Bố cục chạm khắc ở bất kỳ vị trí nào cũng được tuân thủ theo nguyên tắc cân đối. Kỹ thuật chạm đạt trình độ điêu luyện và chắc tay.

Không chỉ vậy, đình còn mang vẻ đẹp độc đáo ở các mái ngói, xòe rộng và lan xuống thấp, hơi võng, hai đầu nhô vút ra ngoài như hai con thuyền lớn. Bờ nóc đắp đôi chim phượng hoàng bò xoải cùng chầu vào mặt nhật tròn, quanh có vầng đao lửa do hổ phù lớn đội. Nghệ thuật trang trí của đình còn nổi bật thể hiện ở tòa đại đình với lối chạm khắc nghiêm trang, góc cạnh. Với những giá trị kiến trúc mỹ thuật đặc sắc, năm 2009, đình An Biên vinh dự được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tu bổ họa tiết trang trí kiến trúc bên trong đình An Biên.

Nơi thờ Thành hoàng của đất Hải Phòng

Đình An Biên là một trong những nơi tôn thờ Nữ tướng Lê Chân, vị nữ tướng tài ba, kiệt xuất trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong tâm thức của người dân An Biên nói riêng và toàn thể nhân dân Hải Phòng nói chung luôn khẳng định bà là người có công lập nên trang An Biên, vùng đất “Hải tần phòng thủ” xưa, nay là thành phố Hải Phòng. Chính vì vậy, từ bao đời nay, Nữ tướng Lê Chân luôn được coi là vị thành hoàng, sùng kính và thiêng liêng của đất Cảng, người có công khai sáng cũng như giữ gìn, bảo vệ vùng đất này.

Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương cho biết, căn cứ theo bản thần tích Đương cảnh thành hoàng Nam Hải uy linh Thánh chân công chúa do đông các Đại học sĩ Hàn lâm viện Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Nữ tướng Lê Chân là con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu, quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xưa, nay là tỉnh Quảng Ninh. Cô gái họ Lê vừa đẹp người, đẹp nết, lại thông minh. Thái thú phương Bắc là Tô Định nghe danh nàng đòi lấy làm tỷ thiếp, Lê Chân kiên quyết khước từ, được cha mẹ đồng ý bèn lánh về miền ven biển thuộc huyện An Dương cùng phủ Kinh Môn. Tô Định căm tức, bức hại gia đình, giết chết ông Lê Đạo. Thù nhà, nợ nước hai vai, Lê Chân quyết chí phục thù, bèn ngầm đem theo một số gia quyến người làng đến vùng ven biển An Dương lập nên trang trại mới lấy tên quê cũ An Biên. Bà chiêu mộ hiền tài, trai tráng các nơi cùng lo việc dấy binh chống quân đô hộ phương Bắc. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng đội nghĩa binh An Biên kịp thời hưởng ứng lập nhiều chiến công vang dội. Khởi nghĩa thắng lợi, bà được giao giữ chức “Trưởng quản binh quyền”, kiêm trấn thủ Hải Tần (tức vùng Hải Phòng ngày nay). Lê Chân ra sức tổ chức lực lượng, xây dựng đồn trại, mở lò vật để rèn luyện quân sĩ đánh giặc phương Bắc. Về sau thế trận bất lợi, Nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống sông để bảo toàn danh tiết. Sau khi bà qua đời, nhân dân An Biên dựng miếu thờ bà. Đời vua Trấn Anh Tông, bà được phong là Thành hoàng xã An Biên, huyện An Dương xưa, Hải Phòng ngày nay.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tại di tích đình An Biên, dân làng An Biên tổ chức lễ hội và được lưu giữ đến bây giờ. Trong ngày sinh mồng 8 tháng Hai của Nữ tướng Lê Chân và ngày khánh hạ (thắng trận tức ngày 15-8), trước đây người dân vẫn tổ chức rước tượng từ đền Nghè về đình An Biên thờ trong 10 ngày. Một trong nét đặc trưng về lễ tế vật dâng lên bàn thờ nữ tướng của dân làng An Biên không thể thiếu ba lễ vật: cua biển, bún sợi và sò đặc trưng cho hải sản miền biển. Sau 7 đến 10 ngày lễ hội, dân làng rước tượng hồi cung tại đền Nghè.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa lễ hội độc đáo này, ngày 10-3-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

MẠNH QUANG - ẢNH: PHAN TUẤN
Báo Hải Phòng điện tử - baohaiphong.com.vn