Di tích đền Mõ nằm cách trung tâm huyện khoảng 4 km, sát ngay bên đường quốc lộ. Đền là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa thờ Công chúa Quỳnh Trân, người có công với quê hương, đất nước và đã được các triều đại trao 12 bản sắc phong. Khu di tích này không chỉ nổi tiếng về giai thoại, sự linh thiêng mà còn thu hút đông đảo mọi người đến chiêm bái, thắp hương vì sức cuốn hút của những di sản hàng trăm năm tuổi như ngôi đền và cây gạo cổ thụ hơn 700 năm tuổi, tương truyền là do công chúa Quỳnh Trân trồng.
Toàn cảnh Đền Mõ nhìn từ trên cao
Theo “Ngọc phả chép về vị thượng đẳng thần triều Trần là Ả Lương Thiên Thụy Quỳnh Trân”- tài liệu nói về lai lịch ra đời đền Mõ “cha của công chúa Quỳnh Trân là Trần Thánh Tông. Năm 1279, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai (là Trần Nhân Tông), muốn gả chồng cho con gái nhưng công chúa không chịu, chỉ muốn xuất gia thờ Phật. Trải qua sóng gió hoàng triều, công chúa xin Thượng hoàng cho đi tìm nơi lập chùa tu tập. Khi đi qua xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay), thấy địa thế đất này giống như con chim đang bay, núi non, sông nước mênh mông nên năm 1284 công chúa làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, công chúa mở rộng chùa, tạc tượng, đúc chuông, khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền cho nhiều người cày cấy. Từ đấy dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có. Do nhiều năm chăm nghiệp nông trang nên điền sản ngày càng nhiều, việc trông nom nô bộc cai quản khó biết đầy đủ, công chúa Quỳnh Trân dựng một cái quán ở cạnh ấp bảo nô bộc rằng: “Các người nghe hiệu lệnh của ta bằng tiếng mõ để đi làm hay về nghỉ. Nếu trong ngày hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, nếu nghe tiếng mõ ở quán thì có công việc. Nô bộc vâng lệnh, hàng ngày cứ theo lệnh mà làm. Ngay cả khi nạn cướp trộm xảy ra, tiếng mõ dồn dập cũng là hiệu lệnh tập họp khẩn cấp của dân làng”. Từ đó mọi người truyền ngôn gọi là chùa là “Chùa Mõ”, “Quán Mõ”. Sau này dân sở tại lập đền thờ Thiên Thụy công chúa cạnh chùa cũng gọi là đền Mõ.
Vẻ bình yên, thanh tịnh của ngôi Đền Mõ
Tháng 11 năm Mậu Thân, công chúa viên tịch. Thi hài được đưa về chùa Tư Phúc ở kinh sư lập tháp an táng. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa, ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã Nghi Dương lập đền thờ. Đền Mõ có từ đó và được lưu giữ đến ngày nay.
Tam quan Đền Mõ Hải Phòng
Đền được xây dựng cạnh chùa tạo thành một quần thể kiến trúc thống nhất. Đền Mõ nằm trong khuôn viên có diện tích 12.724m2, bên cạnh đền là một chùa cổ, (gọi là chùa Mõ) có cây gạo cổ thụ trên 700 năm, cành lá xum xuê tỏa bóng. Từ ngoài vào là con đường nhỏ chạy dài xuyên qua Tam quan gọi là Thần đạo. Theo “thần đạo”, chạy thẳng vào là gian tiền đường (nhân dân quen gọi là cung đệ tam), hai bên là hai toà giải vũ 5 gian, 2 trái.
Đền được làm theo lối kiến trúc cổ “Tiền nhất hậu đinh”
Kiến trúc của đền gồm 3 toà nhà, bố cục theo kiểu Tiền nhất hậu đinh, gồm 5 gian tiền đường (cung đệ tam), 5 gian đại bái (cung đệ nhị) và 2 gian hậu cung hình chuôi vồ. Các toà nhà kề sát nhau tạo cho đền mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng. Toà tiền đường xây theo kiểu “tường hồi bổ trụ giật tam cấp”, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ vững chắc. Ba gian trung tâm toà tiền đường lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu “cửa tùng cung khách” chắc chắn và đẹp.
Cây gạo 700 năm tuổi tại Đền Mõ Hải Phòng
Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền. Hơn 700 năm đã trôi qua, lịch sử đã bao bước thăng trầm nhưng đền chùa Mõ vẫn được gìn giữ như thủa ban đầu bằng lòng thành kính của người dân nơi đây.
Lễ hội Đền Mõ được tổ chức vào ngày ngày 12 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Vào ngày lễ hội cũng giống các lễ hội khác đầu tiên sẽ là lễ dâng hương, đọc các công lao to lớn của vị công chúa mà người dân thờ tự. Tiếp đến là nhân dân thập phương đến thắp hương tưởng nhớ và thường được kéo dài ba ngày với nhiều hoạt động như: lễ rước Thành Hoàng làng, hội vật Cầu Đảo, các trò chơi đánh cờ, chọi gà, tổ tôm điếm. Trong các dịp lễ hội, đền chùa Mõ luôn được đón nhận rất nhiều khách thập phương tới thăm quan, dự lễ nhằm tưởng nhớ tới vị Thành Hoàng làng đặc biệt này.
Tượng Quỳnh Trân công chúa được đặt trong khám ở gian hậu cung, nơi trang nghiêm của ngôi đền.
Lễ hội đền Mõ được người dân nơi đây giữ gìn, kế thừa và phát huy qua bao thế hệ, cũng là cách để người dân trải nghiệm đời sống tâm linh sâu lắng hơn. Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống; đồng thời, thông qua lễ hội: trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng.
Lễ hội Đền Mõ đáp ứng hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tổ chức các nghi lễ và hưởng thụ các hoạt động hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các vùng, miền, dân tộc, tri ân công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua sinh hoạt lễ hội nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Có dịp đến Hải Phòng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Đền Mõ, để tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây./.