Chùa Đỏ (Linh Độ tự) nằm trong một con ngõ nhỏ tại phố Lê Lai, đây là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Chùa Đỏ không chỉ gây ấn tượng bởi nét kiến trúc độc đáo mà còn thu hút mọi người bằng sự trang nghiêm, tĩnh mịch hiếm nơi nào có được. Nhiều du khách tìm tới vãn cảnh, cầu bình an, sức khỏe, hạnh phúc và nhiều phật tử đến đây ngồi yên trên hàng ghế đá, dưới vòm cây xanh mát, nghe tiếng chuông ngân, tiếng mõ trong làn hương thơm nhẹ để đón nhận sự thanh thảnh, tịch tâm.

Đôi nét về tên chùa Đỏ
Từ xa xưa, ở một bãi bồi nhỏ có rất nhiều người chết trôi nên để cầu Như Lai độ linh hồn cho những người xấu số dân làng đã xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật. Mãi cho đến năm 1288 khi Hưng Đạo Vương đến vùng An Dương nghiên cứu địa hình để nhằm tiêu diệt địch, ông đã cho người lo việc ăn uống trong chùa, làm bếp luôn đỏ lửa, từ đó mới có tên gọi là chùa Đỏ. Cũng chính vì thế sau khi Trần Hưng Đạo qua đời thì người dân ở đây đã xây dựng thêm 2 ngôi miếu ở hai bên chùa thờ Ngài và các bộ tướng thân tín của Ngài, tiêu biểu như Điện soái Phạm Ngũ Lão.
Kiến trúc độc đáo của chùa Đỏ
Theo bia ký của chùa hiện còn ghi việc sửa chữa lớn vào năm Đinh Dậu - Quý Mão (1717 - 1723) và trùng tu năm Tự Đức 32. Cho đến trước cách mạng tháng tám 1945, trong khoảng thời gian Pháp đô hộ và cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chùa bị hư hại nhiều. Chùa được tu sửa nhiều lần, sau đó được trùng tu với quy mô lớn và trở thành một công trình khang trang như hiện nay.




Chùa Đỏ mang kiến trúc độc đáo.Với lối Kiến trúc cổ diêm chồng đấu có 3 tầng 20 mái, mối liên hệ giữa Tiền đường - Trung đường và Hậu cung đã xử lí hai mái giao nhau, tạo ra sự hòa quyện giữa các khu.Chùa được chia làm ba cung chính: Phía ngoài là mặt Tiền đường, ở giữa là Trung Đường, phía sau là Hậu cung. Chùa Đỏ có chiều cao khoảng 26m. Cách trang trí bên trong và bên mái Tiền đường được thiết kế một tháp 7 tầng cao 5m, chân tháp cao 1,2m, bên trên tháp có sen, trong tòa sen có cột cờ cao 5m, để treo cờ mùa lễ hội. Ở Trung đường có hàng “hoa chanh” được cách điệu là các lá đề kép bằng men màu xanh cổ chạy dọc nóc chùa.
Hậu cung có hai tầng mái đao, ở giữa trên nóc mái có đặt lá bồ đề (cao 1,20m) như ngọn lửa bập bùng, thể hiện sự tinh khiết, trong sáng của đạo Phật, của tăng ni, Phật tử hướng thiện cứu khổ, cứu nạn. Xung quanh các tầng mái đều lắp lá đề kép, làm bằng chất liệu đặc biệt, ở giữa trang trí nhiều bóng đèn xung quanh và được thắp sáng trong những ngày đại lễ. Mặt chính chùa làm bằng đá xanh, cột được trang trí rồng, phượng khắc họa rõ nét sắc thái nghệ thuật thời Lý Trần.


Bên ngoài Chính điện tầng một có bố trí 4 cây cột đá (đường kính 50 cm, cao 4,2m) chạm khắc Long - Phượng, đối xứng hai bên, giữa các cột là các lan can bằng đá chạm khắc “Tùng - Trúc - Cúc - Mai” được biểu hiện ở dạng hóa Rồng. Bệ dưới ốp đá chạm trổ mây và hoa sen nở nền chùa được tạo dựng trên một tòa sen với ý nghĩa Liên Hoa Tạng Giới.


Bên cạnh kiến trúc nổi bật nêu trên, thứ đáng giá nhất ở chùa Đỏ là tượng Phật Tích Ca Mâu Ni bằng gỗ mít, có chiều cao 5,5m, ngự trên một tòa sen cao 2,9m, có 50 cánh sen sơn son thếp vàng và được chạm khắc tinh xảo bằng các hoa văn thời Trần, được đặt ở trung tâm chính điện.Phía sau bức tượng được đặt Vạn Phật thành cao 11m, với 1111 tượng phật nhỏ, ngự trong những lá bồ đề khép lại, tượng trưng cho Pháp giới vô biên.Đặc biệt, để có thể hoàn thành bức tượng Phật gỗ lớn nhất Việt Nam này, hơn 10 thợ gỗ lành nghề đã phải sử dụng hơn 20m3 gỗ mít, 400 mảnh gỗ, 700 chốt gỗ lim và miệt mài lao động trong gần 20 tháng vất vả, thế mới thấy mọi thứ trong chùa đều đẹp và đáng trân trọng.

Ngày lễ lớn của Chùa
Theo thông lệ từ nhiều năm nay, cứ vào 4h00 sáng ngày rằm tháng tư khi tiếng chuông trống bát nhã vang lên, chư tăng và Phật tử chùa Đỏ thân tâm thanh tịnh vân tập tại Phật điện để tổ chức chương trình kính mừng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Thời khắc linh thiêng nhất của buổi lễ là khi chư tôn đức tăng trong chốn trụ xứ, cùng hàng trăm Phật tử trang nghiêm, thành kính đối trước đại Phật tượng tại chính điện nhất tâm chú nguyện, tụng kinh, niệm danh hiệu Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn.


Sau khi khóa lễ tâm linh, chú nguyện được chu viên, hoàn mãn, để thể hiện lòng biết ơn của Phật tử đối với công hạnh của Ngài, các Phật tử đạo tràng Tịnh Độ đã tổ chức nghi lễ dâng lục cúng dàng bao gồm các vật phẩm: Hoa, hương, đăng, trà, quả, thực để cúng dàng lên Đức từ phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nhân kỷ niệm ngày khánh đản của Ngài. Đồng thời, các Phật tử đã dâng lời ca tiếng hát đón mừng sự kiện Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni ra đời.Các buổi lễ lớn như lễ Vu lan, lễ Phật Đản được tổ chức quy mô chuyên nghiệp thu hút lượng lớn phật tử, du khách cả nước về tham dự, điều đó càng làm cho buổi lễ thêm trang trọng, linh thiêng và ý nghĩa hơn.
