Cầu Quay - Một nép đẹp xưa và nay của thành phố Hải Phòng

Nhắc đến Hải Phòng, chúng ta dễ dàng hình dung về một thành phố của những cây cầu, với những cái tên như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bạch Đằng, cầu Rào, cầu Niệm... Tuy nhiên, cây cầu mang giá trị độc đáo, đã trên 100 tuổi mà vẫn đang được sử dụng bên cạnh một cây cầu mới nhằm gia tăng công năng phải kể đến là cầu Quay.

Cầu Quay xưa:

Từ cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa đã chọn Hải Phòng để xây dựng cảng biển cùng tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Theo đó, một loạt cầu thép được xây trên tuyến xe lửa này, trong đó có cầu Quay Hải Phòng. Cây cầu này bắc qua sông Tam Bạc, được khởi công năm 1901, hoàn thành năm 1902. Cầu được xây bằng dầm thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, phục vụ cho cả đường bộ và đường sắt. Để không gây trở ngại cho các tàu thuyền qua lại trên sông, các kỹ sư người Pháp đã thiết kế nhịp giữa cầu có thể quay ngang 90 độ. Đó chính là nguồn gốc tên gọi cũng như nét độc đáo của cầu Quay xưa. Những năm đầu, cầu được điều khiển thủ công bởi 5-6 công nhân người Việt. Họ sử dụng hệ thống ròng rọc để quay cả một nhịp cầu dài khoảng 50 mét, nặng cả trăm tấn. Sau một thời gian, việc vận hành được thực hiện bằng động cơ điện, nhưng cầu vẫn có thể được vận hành bằng tay nếu cần thiết. Trong thời kỳ chiến tranh, không quân Mỹ đã trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hải Phòng khiến nhiều cây cầu bị trúng bom đổ sập hoặc hư hỏng, trong đó có cầu Quay. Sau biến cố này, cầu Quay được sửa lại nhưng không còn quay như trước được nữa.[1]

(Cầu Quay xưa - Hình tư liệu)

Cầu Quay theo năm tháng, đã đi vào trong tâm trí của bao thế hệ người dân Hải Phòng với hình ảnh của một cây cầu mạnh mẽ, độc đáo cùng những chuyến xe lửa đầy ắp hàng hóa, chạy bằng than (sau là bằng dầu diesel), có tiếng còi cùng cột khói trắng đặc trưng, những đoàn thuyền, xà lan trĩu nặng nguyên vật liệu nối đuôi nhau dưới sông hay những khoang tầu hỏa mà hành khách ở đó có thể quan sát dòng sông Tam Bạc trải dài hai bên, có thể thấy cả đoàn người phía con đường bên dưới và thành phố thân thương như đang tạm biệt hay đón chào mình...

Cầu Quay nay:

Năm 2011, để đồng bộ với sự phát triển các mặt như kinh tế, giao thông, mỹ quan đô thị của thành phố, chính quyền Hải Phòng đã cho xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song với cầu Quay cũ, mà người dân nơi đây còn gọi là cầu Quay mới. Cầu có chiều dài 197 m, chiều rộng 12 m, kết cấu 5 nhịp dầm bê tông cốt thép ứng lực, vận tốc thiết kế đạt 50 km/h. Tĩnh không thông thuyền của cầu rộng 40 m, cao 4,75. Công trình có tổng mức đầu tư là 367,3 tỷ đồng, được thông xe vào ngày 27 tháng 4 năm 2013.[2]

(Cầu Quay nay - Hình tư liệu)

(Cầu Quay nay - Hình tư liệu)

Từ đây, cầu Quay đã được nâng cấp lên một phiên bản kép, với hai diện mạo, hai sắc thái khác nhau nhưng cùng sát cánh và cùng phân chia chức năng, nhiệm vụ. Một nhánh là cầu dành cho đường sắt và người đi bộ, mang dáng vẻ cổ kính với những dấu nếp của thời gian, trải nghiệm, nơi mà ngoài sự lưu thông bình thường, người dân Hải Phòng có thể đến để quan sát, tìm hiểu những dấu tích, những câu chuyện xưa hay có thể chụp những bộ hình mang nét hoài niệm cho bản thân, bạn bè, gia đình… Nhánh còn lại là cầu đường bộ, khá rộng và đẹp, là một trong những cửa ngõ chính hướng vào nội đô thành phố. Cây cầu không chỉ giúp người dân Hải Phòng cùng du khách đi lại thuận tiện mà còn tạo nên khung cảnh tươi đẹp, đại diện cho sức sống mới của thành phố Cảng Hải Phòng.

Xưa giá trị là vậy, nay cầu Quay vẫn kế thừa nguyên vẹn và phát huy được những nét độc đáo, ấn tượng, những đặc trưng mang tính văn hóa, lịch sử riêng biệt của mình đồng thời còn hàm chứa cả hình ảnh của sự chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ, của sự tươi trẻ, tiêu biểu cho sức sống mới của thành phố Hải Phòng, một trong những địa phương đang đi đầu cả nước trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

[1] Tài liệu tham khảo nguồn: https://kienthuc.net.vn/ta-tay/lich-su-it-biet-ve-cau-quay-tron-o-hai-phong-xua-1450484.html#p-1

[2]  Tài liệu tham khảo nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A7u_Tam_B%E1%BA%A1c

ĐỖ THỊ PHƯƠNG HOA