Bánh chưng Thủy Đường - Đặc sản ngày Tết ở Hải Phòng

Là linh hồn Tết Việt - bánh chưng, bánh giầy và bánh tét là những món ăn không chỉ ngon mà còn mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc. Đến với làng nghề bánh chưng Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên vào dịp này để cảm nhận không khí Tết sớm đang về hối hả. Vẫn những tàu lá chuối xanh mượt, vẫn tiếng đảo gạo, xóc đỗ, vẫn những bàn tay gói khéo léo và vẫn những dáng tất bật thoăn thoắt xếp bánh vào nồi luộc bên bếp lửa…cứ thế mỗi lần hòa vào không khí ấy, niềm háo hức mong đợi Tết về lại rạo rực trong lòng!

Nhìn thấy bánh chưng là thấy tết (Ảnh: Sưu tầm)

Từ lâu, tiếng thơm của bánh chưng Thủy Đường đã vang xa khắp trong và ngoài nước. Nếu đặt bánh làm quà cho người xa xứ hay cúng Tết nhà thì bánh chưng Thủy Đường là món đầu tiên được lựa chọn. Ở Thủy Đường có khoảng 30 gia đình làm nghề gói bánh chưng, nhưng làm bánh ngon nổi tiếng được truyền qua nhiều thế hệ chỉ có gia đình bà Chiển, bà Trượt, ông Vượt, ông Hoài, anh Thêm, bác Na…

Bánh chưng được gói bằng lá dong và lá chuối hột, thêm thịt và đỗ, hành, hạt tiêu, nước mắm mới tròn vị (Ảnh: Sưu tầm)

Về Thủy Đường dịp này sẽ thấy nhà nhà tất bật gói bánh chưng. Mỗi gia đình đều giống như một công xưởng nhỏ, không khí làm việc lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp. Người làng Thủy Đường coi nghề làm bánh chưng là nghề truyền thống, là niềm tự hào và cũng là nguồn kinh tế của các hộ dân nơi đây. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, làng quê cũng thay đổi hẳn, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân trong làng nhiều năm trở lại đây đã được cải thiện rõ rệt.

Những miếng thịt lợn ngon được người gói khéo léo bọc kín trong lớp đỗ (Ảnh: Sưu tầm)

Để giữ gìn thương hiệu bánh chưng Thủy Đường ngon, rền, đậm đà trứ danh, theo bà Chiển (thôn Bắc 2, xã Thủy Đường, Thủy Nguyên, Hải Phòng, gia đình truyền thống 6 đời gói bánh chưng): cần tuyển chọn nguyên liệu làm bánh kỹ càng, công phu. Gạo để gói bánh bắt buộc phải là gạo nếp cái hoa vàng ngâm ít nhất 2- 3 tiếng. Thịt lợn gói bánh được lựa chọn là thịt mông, thịt ba chỉ để bánh có độ ngậy nhất định. Sau đó, thịt được thái miếng dày, ướp bột canh, hạt tiêu, nước mắm nguyên chất dậy mùi thơm. Bánh chưng Thủy Đường được gói bằng lá dong nếp đặt bên ngoài xen lẫn lá chuối hột lót bên trong. Bởi lẽ theo những người thợ lành nghề, lá chuối dễ bóc, thơm và cứng bánh hơn.Người dân làng nghề chia sẻ, bánh chưng Thủy Đường thường được gói với tỉ lệ 4 gạo - 1 đỗ, bảo đảm lớp gạo, đỗ trên dưới bằng nhau. Sau khi bỏ nhân, những người thợ thoăn thoắt gói bánh, buộc lạt, nắn chỉnh bánh để bánh đều khi luộc sẽ không bị vỡ nát. Điều đặc biệt, bánh chưng Thủy Đường hoàn toàn được gói bằng tay, không sử dụng khuôn. Mặc dù vậy, dưới bàn tay thợ lâu năm, những chiếc bánh vẫn vuông vức, đẹp đẽ. Ngày thường gói ít để ăn, bán tại các chợ; ngày tết thì gói theo đơn đặt hàng phục vụ Tết. Từ khoảng 15 tháng Chạp đến Tết, các hộ gói bánh chưng phải thức thông trưa, gói bánh đến đêm rồi lại thay nhau trông nồi bánh chưng đến sáng để hoàn thiện mẻ bánh thơm ngon chuyển đến tay khách hàng. Trung bình mỗi ngày, hàng vạn chiếc bánh chưng Thủy Đường được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Với người gói sự khéo léo tạo lên hình thức cho chiếc bánh đẹp vuông vức, để khi luộc đảm bảo không bị méo, đây là một trong những tiêu chí hình thành thẩm mỹ cho một chiếc bánh chưng Tết đạt tiêu chuẩn (Ảnh: Sưu tầm)

 Ông Hoài chia sẻ: "Bánh chưng gói không hề khó nhưng lại là cả một nghệ thuật của người làm thủ công như người làng Bấc. Để hoàn thiện một chiếc bánh người gói chỉ cần một vài phút, gói nhanh không cần khuôn nhưng vẫn bảo đảm lớp gạo, đỗ trên và dưới bằng nhau. Nguyên liệu lá dong, lá chuối hột dùng để gói bánh chưng cũng phải trải qua đợt "tuyển chọn", bảo đảm tiêu chí không quá già, không quá non, không úa, rách để bánh có màu xanh đẹp. Bánh chưng thường luộc từ 8-10 tiếng, nặng khoảng 1kg đến 1,2kg".

Các thành viên trong gia đình đều tham gia vào công việc gói bánh hàng chưng.(Ảnh: Sưu tầm)

Khi được hỏi về bí quyết làm bánh, ông Hoài đáp: "Sạch là yếu tố đầu tiên quyết định cái chất của bánh chưng nà. Một chiếc bánh khoảng 3 lạng thịt là chuẩn. Lá dong, lá chuối phải rửa thật sạch sẽ, phơi khô. Lá bẩn thì chỉ vài ngày là bánh mốc". Theo lời những bậc cao niên trong vùng Thủy Đường, gói bánh đã rất cầu kỳ, khi luộc bánh cũng không được vội. Ngoài yếu tố kỹ thuật, nguyên liệu, nguồn nước ngọt từ những giếng đào trong làng đã làm nên hương vị đặc biệt của bánh chưng. Vì ngon, vì có tiếng nên giá của mỗi chiếc bánh chưng ở Thủy Đường cũng khá đa dạng. Tùy theo nhu cầu đặt của khách, giá mỗi chiếc bánh chưng Thủy Đường từ 50 ngàn đến trăm ngàn/ cái, thậm chí còn hơn.

Khi bánh chưng luộc xong phải ép hết nước, để qua đêm để bánh đanh và dẻo không bị nát (Ảnh: Sưu tầm)

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

Bánh chưng ngon có màu xanh tự nhiên, tỉ lệ gạo, đỗ, thịt phải vừa đủ bánh mới đạt chuẩn (Ảnh: Sưu tầm).

Bếp làng Thủy Đường lúc nào cũng rực lửa, không khí luôn hổi hả, nhộn nhịp. Những người làm nghề lâu năm như cụ Chiển, ông Hoài… thật khó có thể rời xa nghề của mình được. Những lò bếp rực lửa không bao giờ tắt ấy như chính tình yêu nghề được thắp lên bởi những lão làng trong làng bánh chưng Thủy Đường, được gìn giữ, vun đắp bởi những thế hệ người dân Thủy Đường như một nét đẹp văn hóa của mảnh đất này./.

Vũ Thị Loan